Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để hàng giả phá hoại 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh, kể cả chuyện trồng “sâm ảo” trên giấy để trục lợi… đang đòi hỏi việc bảo vệ cho “quốc bảo” Việt Nam cần được làm rốt ráo hơn bao giờ hết trong lúc này.

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới và được xem là “quốc bảo” của Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất lượng của sâm Ngọc Linh vượt trội hơn hẳn sâm của các nước khác…

Lo sâm thật “chết” vì hàng giả

Cụ thể, phần thân rễ và rễ củ của sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất Saponin, trong đó, 26 loại Saponin thường có ở sâm của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ... 26 loại Saponin còn lại có cấu trúc hoàn toàn mới và chưa được công bố ở các loại sâm khác. 

HINH-3695-1641378077.jpg

Rất cần làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến hiện nay.

Đặc biệt, Saponin MR2 trong sâm Ngọc Linh chiếm khoảng ½ tổng Saponin chính. Sự hiện diện của MR2 góp phần hình thành nhiều tác dụng dược lý đặc hiệu của sâm Ngọc Linh như: ngừa ung thư, khối u, kháng khuẩn, ngăn chặn lão hóa... Ngoài ra, loài thảo dược quý này còn chứa 17 loại acid amin, 20 loại vi khoáng chất, tinh dầu và 17 loại acid béo rất tốt cho sức khỏe con người. 

Chính từ mức độ dược tính quý giá, hiếm có này thu hút nhu cầu tiêu thụ cao từ những người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ, đã dẫn đến tình trạng tình trạng sâm Ngọc Linh giả bày bán tràn lan như dư luận phản ánh trong thời gian gần đây. 

Không những vậy, có trường hợp doanh nghiệp (DN) còn thổi phồng năng lực trồng sâm Ngọc Linh, trồng “sâm ảo” trên giấy để trục lợi, nhập nhèm trong việc công bố sở hữu vùng nguyên liệu, bán sản phẩm ra thị trường nhưng không rõ xuất xứ vùng nguyên liệu. 

Điển hình là trường hợp mới đây của CTCP Đầu tư sâm Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi khi chưa chứng minh được việc sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum như đã công bố hồi tháng 12/2021. 

Về phía Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kon Tum, hồi tháng 9/2021 đã đưa ra kế hoạch bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Điều này nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng buôn bán một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chưa được kiểm định chất lượng…

Nhất là hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh. Đặc biệt là đặt ra kế hoạch xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và Nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên địa bàn.

Sở KH&CN Kon Tum cũng đề cao việc quản lý nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống Ngọc Linh, đồng thời hỗ trợ DN, người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản sâm Ngọc Linh Kon Tum. 

Bên cạnh đó là việc kiểm soát bên ngoài đối với chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum cũng sẽ được chú trọng. 

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm

Cần nhắc lại, hồi năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã sửa đổi chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ theo một quyết định trước đó vào năm 2016. 

Theo đó, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng sâm Ngọc Linh không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý được bảo hộ theo quyết định vào năm 2016. 

Trên thực tế, vùng phân bố sâm Ngọc Linh tại Kon Tum và Quảng Nam vượt ra ngoài vùng chỉ dẫn địa lý đã được công bố, khu vực này đều nằm trong khối núi Ngọc Linh có điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán canh tác, giống sâm trồng... tương đồng với chỉ dẫn địa lý đã được công bố.

Cụ thể, khu vực địa lý gồm: Xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, xã Xốp thuộc huyện ĐăkGlei; xã Đăk Na, xã Măng Ri, xã Ngọc Lây, xã Ngọc Yêu, xã Văn Xuôi, xã Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; xã Trà Linh, xã Trà Nam, xã Trà Cang, xã Trà Dơn, xã Trà Don, xã Trà Leng, xã Trà Tập thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nêu lại chuyện này để thấy rằng chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh đã được khẳng định rõ ràng từ vài năm trước. Và kế hoạch bảo vệ thương hiệu cho loại sâm này ở góc độ địa phương như tỉnh Kon Tum thì gần đây cũng đã có.

Điều quan trọng là các cơ quan quản lý có liên quan cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu sâm Ngọc Linh. Trong đó, cần làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến hiện nay và kiên quyết xử lý các sai phạm.

Đặc biệt, nên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Đồng thời cần kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng logo và tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” trong hoạt động thương mại sản phẩm sâm củ. 

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, cũng như giám sát chặt chẽ việc đầu tư, phát triển và lưu thông sâm Ngọc Linh trên địa bàn nhằm tránh những dư luận không hay như đang xảy ra ở CTCP Đầu tư sâm Việt Nam.

                                                                                                                Thanh Loan


Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết