Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ?

Các chuyên gia đã nêu nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ, góp phần bảo đảm vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước.

Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một bộ phận cốt lõi, là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Vùng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tại đây đang hội tụ những lợi thế vượt trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm vai trò “đầu tàu kinh tế” của vùng. Tuy nhiên, kinh tế vùng Đông Nam Bộ cũng đang chứng kiến xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng liên tục trong dài hạn, đối nghịch hoàn toàn với động thái đảo ngược xu hướng này của nền kinh tế cả nước.

Nhiều thách thức đặt ra cho vùng Đông Nam Bộ

Theo các chuyên gia, dù là vùng phát triển dẫn đầu nhưng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững. Trong đó, điển hình như việc kết nối vùng này đang bị tắc nghẽn. Dù là trung tâm công nghiệp nhưng trong địa giới hành chính, một số tỉnh, thành vùng không có cơ sở hạ tầng quan trọng để giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp, như sân bay, cảng biển…

Làm gì để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ?

Vùng Đông Nam Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam - (Ảnh: Báo Chính phủ).

Cùng với đó, các áp lực về bẫy thu nhập trung bình; cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và qua đào tạo nghề; thâm hụt lao động và quá phụ thuộc vào nguồn lao động ngoại vùng, chất lượng các ngành sản xuất công nghiệp chưa cao, chưa xây dựng được ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm chủ lực.

Theo đánh giá, mô hình tổ chức không gian lãnh thổ và phát triển hạ tầng của vùng đang bị thiếu tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, tuy mô hình đô thị kết hợp với công nghiệp và hệ thống hạ tầng khung hiện đại được xây dựng đã tạo thuận lợi cho Đông Nam Bộ thu hút đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng mô hình hệ sinh thái công nghiệp - đô thị chưa được định hình rõ nét với tầm nhìn dài hạn, sự phát triển tự phát theo xu thế thị trường đầu cơ bất động sản đã tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ mô hình đô thị sinh thái hiện đại mà các địa phương trong vùng đang hướng đến, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, các luồng dịch chuyển lớn làm quá tải hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội, dịch vụ chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của công nghiệp đã làm giảm giá trị gia tăng trong phát triển.

Các kế hoạch phát triển có xu hướng còn sử dụng quá nhiều đất đai, không có kế hoạch giữ gìn và chưa phát huy đầy đủ giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các dịch vụ hệ sinh thái của hai sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Cấu trúc không gian phát triển tổng thể chưa được định hình rõ ràng, thiếu cân đối và tính đồng bộ, làm cơ sở vững chắc cho công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý phát triển.

Đông Nam Bộ cũng phải đối mặt với việc dù đã nỗ lực phát triển hệ thống dịch vụ an sinh xã hội, tạo môi trường tiện nghi cho phát triển đô thị công nghiệp. Các mô hình chính quyền đô thị hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của đô thị công nghiệp, chưa có mô hình thích hợp để quản lý hiệu quả các khu vực dân nhập cư.

Ngoài ra, việc cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt, biến động quốc tế khó lường; sức chứa lãnh thổ, sức chịu tải môi trường đang dần vượt ngưỡng ngày một cao cùng với rào cản kỹ thuật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng là các thách thức mà Đông Nam Bộ đang phải đối mặt.

Giải pháp nào tháo gỡ điểm nghẽn?

Liên quan đến vấn đề này, TS. Tạ Thị Lê và ThS. Trương Thị Thu Hương (Học viện Chính trị Khu vực II) đã có những gợi mở chính sách nhằm phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, cần hình thành mục tiêu và tầm nhìn phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, hướng đến: “Kiến tạo, hội nhập, thịnh vượng, bền vững".

Làm gì để phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ?

Phát triển công nghiệp xanh, bền vững được các địa phương vùng Đông Nam Bộ chú trọng - (Ảnh: Báo Đầu tư).

Cụ thề, vùng Đông Nam Bộ cần xây dựng chính quyền kiến tạo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, cần đạt được tính hội nhập toàn cầu sâu rộng thông qua tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết hiệu lực, hiệu quả. Thúc đẩy ngoại giao mở rộng và kết nối đa phương. Cần đạt được tính hội tụ con người và thu hút các nguồn ngoại lực bằng mô hình đô thị hiện đại đáng sống.

Về kinh tế, cần phối hợp đồng bộ, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch mạnh mẽ sang thương mại - dịch vụ chất lượng cao, đổi mới hệ sinh thái kinh tế phát triển theo chiều sâu, vượt bẫy thu nhập trung bình lên thu nhập cao.

Phát triển các mô hình kinh tế sinh thái hiện đại (kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp) và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế đủ năng lực giải quyết vấn đề môi trường công nghiệp và đô thị cấp bách của vùng.

Cần phân định rõ ràng chức năng kinh tế và xã hội của 6 tỉnh trong vùng theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.

Tiếp đến, cần đổi mới toàn diện và phát triển nhanh đào tạo nghề và định hướng phát triển dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Trong đó, ưu tiên phát triển đào tạo và đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động trong các khu, cụm công nghiệp có trình độ sản xuất và năng lực sáng tạo cao, gắn với đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, chủ động đi trước trong phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, tạo ra sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: Bình Dương thuộc hai tiểu vùng kinh tế phía Bắc và tiểu vùng trung tâm. Tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Tiểu vùng trung tâm gồm TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai, là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, y tế và đầu mối giao thương quốc tế.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết