Nhãn hiệu xung đột với bản quyền: Cơ chế nào để xử lý hiệu quả?
Xung đột giữa nhãn hiệu và bản quyền diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới và đang trở thành vấn đề nhức nhối ở Việt Nam.
Xung đột giữa nhãn hiệu và bản quyền diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới và đang trở thành vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Tình trạng “đánh cắp” tài sản trí tuệ, bằng cách sao chép tác phẩm có bản quyền, và sau đó đăng ký chúng dưới dạng nhãn hiệu ngày càng gia tăng. Các hành động đầu cơ nhãn hiệu, từ việc đăng ký logo đến các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không còn là hiện tượng lạ lẫm, khiến cho nhiều tác giả sáng tạo phải đối mặt với nghịch lý là buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để mua lại chính logo/nhãn hiệu của họ với mức giá không hề rẻ. Cuộc đấu tranh giữa bảo vệ sáng tạo và chống lại việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành một thách thức lớn, đòi hỏi hành động quyết liệt từ cả cộng đồng quốc tế lẫn từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Được sửa đổi năm 2022, Luật SHTT bổ sung một điều khoản quan trọng tại Điều 73 quy định về “Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu”. Theo Điều 73.7, “Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó” sẽ không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu. Theo đó, các đại diện SHTT tại Việt Nam và chủ thể quyền SHTT hy vọng rằng chế định mới này sẽ không chỉ ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu cơ nhãn hiệu, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền SHTT, mà còn hướng tới bảo vệ quyền SHTT một cách công bằng và minh bạch tại Việt Nam. Điều này đặt ra những câu hỏi sâu rộng hơn: Điều 73.7 mang lại những lợi ích thực sự nào cho chủ thể quyền SHTT? Những thách thức nào vẫn còn đang ở phía trước? Và quan trọng hơn, chủ thể quyền SHTT cần triển khai những chiến lược gì để chống lại tình trạng đầu cơ nhãn hiệu một cách hiệu quả tại Việt Nam?
Để làm rõ những vấn đề nêu trên, Báo Công Thương xin giới thiệu loạt bài viết về chủ đề nhãn hiệu của tác giả Nguyễn Vũ Quân- Luật sư của Văn phòng Luật KenFox.
1. Điều 73.7 mang lại những lợi ích thực sự nào cho chủ thể quyền SHTT?
Cân bằng hai nguyên tắc: “Nộp đơn đầu tiên” và “sử dụng đầu tiên”
Luật SHTT của Việt Nam về nhãn hiệu vận hành theo hệ thống nguyên tắc kép, kết hợp giữa hai nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” và “sử dụng đầu tiên”. Hệ thống này khá đặc biệt trong lĩnh vực SHTT, mang đến cả cơ hội và thách thức cho chủ sở hữu quyền. Nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên" chiếm ưu thế trong xác lập quyền SHTT tại Việt Nam, ưu tiên bảo hộ cho những người nộp đơn đăng ký đầu tiên, do vậy, thường dẫn đến xung đột với các chủ thể đã sử dụng quyền SHTT từ trước nhưng chưa đăng ký.
Nguyên tắc "sử dụng đầu tiên" thường bị đánh giá thấp hơn, nghĩa là những chủ thể là chủ sở hữu đích thực quyền SHTT và đã thương mại hóa các sản phẩm mang nhãn hiệu tại Việt Nam thường thua trong cuộc chiến với những người nộp đơn đầu tiên. Trước đây, do chưa có quy định rõ ràng về tôn trọng quyền tác giả theo Luật SHTT của Việt Nam, thẩm định viên của Cục SHTT Việt Nam rất miễn cưỡng áp dụng các quyền có trước (nhưng chưa đăng ký), chẳng hạn như, quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng để từ chối đăng ký nhãn hiệu, mặc dù rõ ràng là, nhãn hiệu xin đăng ký đã sao chép từ tác phẩm có bản quyền trước đó. Một số thẩm định viên cho rằng: Nếu logo được bảo hộ dưới hình thức bản quyền và có thể được sử dụng để từ chối đăng ký nhãn hiệu, thì không cần phải đăng ký nhãn hiệu làm gì nữa và nếu họ từ chối bảo hộ cho một nhãn hiệu dựa trên quyền chưa đăng ký từ cái gọi là “tác phẩm mỹ thuật ứng dụng”, điều này chẳng khác gì việc chính họ cấp bảo hộ cho những “tác phẩm mỹ thuật ứng dụng” đó.
Điều 73.7 là sự công nhận chính thức về tính hợp pháp của các quyền SHTT được thiết lập trước mà chưa đăng ký và, trong một chừng mực nào đó, đóng vai trò cân bằng giữa hai nguyên tắc khác nhau trong quá trình xác lập quyền SHTT tại Việt Nam: nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” và “sử dụng đầu tiên”. Quy định về "Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm" không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu là một cơ chế pháp lý đa chiều, (i) là cơ sở pháp lý để Cục SHTT Việt Nam có thể sử dụng để từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu chứa bản sao tác phẩm của người khác, (ii) là cơ sở vững chắc để chủ thể quyền SHTT đích thực phản đối việc đăng ký nhãn hiệu có chứa bản sao tác phẩm, và (iii) là căn cứ để có thể yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu có chứa bản sao tác phẩm theo quy định tại Điều 96.2(b) Luật SHTT, mở ra cánh cửa tưởng chừng đã khép lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu đích thực. Rõ ràng, điều luật này có thể giúp khắc phục những khiếm khuyết của nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên" – là nguyên tắc trao quyền cho chủ thể nộp đơn đầu tiên, đồng thời đem lại lợi ích cho chủ sở hữu đích thực có được sự bảo hộ đúng nghĩa đối với tài sản trí tuệ của họ.
Góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền SHTT
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa các nguyên tắc nêu trên, Điều 73.7 còn góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền SHTT dựa trên nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên". Quy định này ngăn cấm việc đăng ký nhãn hiệu là các bản sao tác phẩm, chẳng hạn như logo, thiết kế mỹ thuật hoặc các hình thức biểu đạt sáng tạo khác mà không có sự cho phép của người sáng tạo đầu tiên. Bằng cách không cho phép đăng ký các dấu hiệu là bản sao của các tác phẩm, luật ngăn chặn các cá nhân hoặc tổ chức đánh cắp hoặc chiếm đoạt các sáng tạo của người khác để trục lợi.
Bản quyền là quyền của tổ chức, cá nhân đối với “tác phẩm” do mình tạo ra hoặc sở hữu theo quy định tại Điều 4.2 Luật SHTT. “Tác phẩm” có nghĩa là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào theo Điều 4.7. Trong số 11 loại tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, đáng chú ý, “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng” là một loại được bảo hộ theo các chế định về bản quyền của Việt Nam. “Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật SHTT là “tác phẩm được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối hoặc bố cục có tính chất hữu ích, có thể gắn với vật dụng hữu ích và được sản xuất thủ công hoặc ở quy mô công nghiệp, bao gồm cả thiết kế đồ họa (thể hiện logo, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm; thể hiện ký tự); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn với kiểu dáng sản phẩm; và các thiết kế nội thất và trang trí nội, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng thiết kế sản phẩm mỹ thuật, không thể dễ dàng được tạo ra bởi những người có kiến thức trung bình trong lĩnh vực liên quan và loại trừ các thiết kế bên ngoài bắt buộc để sản phẩm hoạt động bình thường”. Theo Điều 6.1 Luật SHTT, quy định về “Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ”, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Theo quy định nêu trên, tác phẩm được tự động bảo hộ tại Việt Nam mà không cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Do Việt Nam là thành viên tham gia Công ước Berne về bản quyền, nên việc xác lập và bảo vệ bản quyền phải tuân theo cả pháp luật Việt Nam và Công ước Berne. Theo Công ước Berne, mỗi quốc gia thành viên công nhận bản quyền của tác giả từ các quốc gia thành viên khác giống như việc công nhận bản quyền của công dân nước mình. Công ước Berne yêu cầu mức độ đối xử tương tự với tác giả từ các quốc gia thành viên như mức độ đối xử với công dân nước mình đối với tác phẩm của họ, theo nghĩa đó, Việt Nam phải bảo vệ các tác phẩm được tạo ra và bảo hộ ở một quốc gia thành viên của Công ước Berne giống như việc bảo hộ tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là, dù một tác phẩm (ví dụ: tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được tạo ra ở Trung Quốc) không được đăng ký ở Việt Nam, theo luật định, tác phẩm đó vẫn phải được bảo hộ theo quy định về bản quyền như thể nó được tạo ra tại Việt Nam.
Sở hữu tác phẩm có bản quyền nghĩa là chủ sở hữu có quyền được hưởng các quyền theo luật định dành cho mình bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản theo Điều 19 và 20 Luật SHTT, cũng như các quyền sử dụng, cho phép sử dụng và ngăn cản người khác sử dụng các tác phẩm được bảo hộ. Khác với nhãn hiệu, quyền chỉ được cấp cho hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể được đăng ký, quyền đối với tác phẩm không giới hạn đối với bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào. Các chế định về bản quyền của Việt Nam không cấm chủ sở hữu quyền tác giả dán (gắn) tác phẩm có bản quyền của mình lên sản phẩm hoặc dịch vụ để bán (thương mại hóa). Ở giác độ này, tác phẩm có bản quyền thực hiện chức năng không khác gì so với nhãn hiệu, mà về cơ bản có thể được xem như một yếu tố để xác định nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ. Như vậy, theo quy định tại Điều 73.7, chủ sở hữu một tác phẩm có bản quyền ở Việt Nam có thể thách thức nhãn hiệu của người khác (thông qua thủ tục phản đối, ý kiến của người thứ ba hoặc hủy bỏ hiệu lực) bất kể hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu bị tranh chấp dự định sử dụng, dựa trên tác phẩm được bảo hộ bản quyền của mình. Nói cách khác, việc phản đối không chỉ giới hạn ở loại sản phẩm hoặc dịch vụ xin đăng ký nhãn hiệu, mà còn dựa trên việc sử dụng trái phép tác phẩm được bảo hộ bản quyền của chủ sở hữu bản quyền. Điều này có ý nghĩa là gì? Rõ ràng, bản quyền (ví dụ: logo hoặc các tác phẩm có khả năng được bảo vệ bản quyền khác) mang lại phạm vi bảo vệ rộng hơn so với nhãn hiệu, nếu xem xét trong bối cảnh thương mại hóa các hàng hóa hoặc dịch vụ có gắn tác phẩm được bảo hộ bản quyền so với số lượng hàng hóa/dịch vụ hạn chế được đăng ký theo nhãn hiệu.
Như vậy, quy định về "Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm" không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu có thể là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt (đầu cơ) nhãn hiệu, hành vi mà các chủ thể đăng ký nhãn hiệu tương tự với các thương hiệu nổi tiếng để lợi dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
2. Những thách thức nào vẫn còn đang ở phía trước?
Dù Điều 73.7 quy định cơ chế pháp lý để từ chối hoặc phản đối việc đăng ký nhãn hiệu có chứa tác phẩm được bảo hộ bản quyền, nhưng thực tiễn áp dụng vẫn có thể biến động và không đồng nhất, chủ yếu do tính chất chủ quan của quá trình thẩm định, khi mỗi tình huống cụ thể có thể được hiểu và giải quyết theo nhiều cách khác nhau.
Tính lãnh thổ của quyền SHTT đối với nhãn hiệu
Một mặt, quy định trên có tác dụng ngăn chặn nạn đầu cơ (chiếm đoạt) nhãn hiệu, nhưng mặt khác đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu thẩm định viên có công nhận nếu một logo (ví dụ: nhãn hiệu kết hợp bao gồm phần chữ và phần hình) đủ điều kiện để được bảo hộ bản quyền dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, liệu điều này có nghĩa là logo đã được đăng ký trước đó tại các quốc gia khác thuộc Công ước Berne (mà Việt Nam là thành viên) sẽ tự động được bảo hộ tại Việt Nam? Việc xem xét này dẫn đến hai vấn đề then chốt. Thứ nhất, nó hàm chỉ rằng có thể không cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu riêng cho các logo đã được bảo hộ theo luật bản quyền chung như tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Thứ hai, nó đặt ra thách thức tiềm ẩn đối với nguyên tắc căn bản về tính lãnh thổ trong quyền nhãn hiệu, quy định rằng nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền tại khu vực pháp lý nơi được đăng ký.
Phạm vi bảo hộ của bản quyền
Điều 73.7 của Luật SHTT của Việt Nam vẫn còn mơ hồ về phạm vi của quy định “Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” trong bối cảnh bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, không rõ liệu điều khoản này chỉ áp dụng cho các nhãn hiệu chứa “toàn bộ” bản sao tác phẩm hay không, hay cũng áp dụng mở rộng sang các nhãn hiệu chỉ chứa “phần đáng kể” của tác phẩm đó. Sự phân biệt này rất quan trọng để xác định ranh giới phạm vi bảo hộ của bản quyền trong tương quan với nhãn hiệu xin đăng ký.
Theo Điều 4.10 Luật SHTT của Việt Nam, “Sao chép” bao gồm việc tạo ra các bản sao của “toàn bộ” hoặc “một phần tác phẩm”. Ngoài ra, Điều 66.1(g) của Nghị định số 17/2023/ND-CP quy định về việc xác định các yếu tố xâm phạm bản quyền quy định rằng, việc sao chép hoặc sao chép trái phép “toàn bộ” hoặc “một phần tác phẩm” sẽ cấu thành hành vi xâm phạm bản quyền. Rõ ràng, điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng nhưng chưa có lời giải: Nếu bên thứ ba sử dụng một phần đáng kể tác phẩm được bảo hộ bản quyền tại Việt Nam cho mục đích đăng ký nhãn hiệu, thì nhãn hiệu đó có bị từ chối theo Điều 73.7 Luật SHTT Việt Nam không? Việc giải thích điều khoản này trong các tình huống thực tế vẫn cần được xem xét và làm rõ đầy đủ.
Trên thực tế, việc tạo ra một logo giống hệt một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đã tồn tại là điều khó xảy ra. Trong cuộc sống hàng ngày, có thể dễ dàng nhận ra rằng logo xin đăng ký nhãn hiệu chính là bản sao của một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đã được tạo ra trước đó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc đăng ký một logo như vậy, có ý định sao chép rõ ràng, có được coi là "có dụng ý xấu" dưới góc độ của Điều 117 Luật SHTT và Điều 34.2 Nghị định 23/2023/NĐ-CP của Việt Nam hay không.
Thẩm định nhãn hiệu trong tương quan với bản quyền
Rõ ràng, Điều 73.7 thiết lập một cơ chế để Cục SHTT từ chối bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký nếu nhãn hiệu đó chứa bản sao tác phẩm mà không được chủ sở hữu tác phẩm cho phép. Chế định này có thể dẫn đến cách hiểu theo hướng: trong quá trình tiến hành thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, thẩm định viên cần phải tiến hành tra cứu không chỉ cơ sở dữ liệu nhãn hiệu có trước (tại Cục SHTT), mà còn cần chủ động kiểm tra cả cơ sở dữ liệu về bản quyền (tại Cục Bản quyền tác giả). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chưa có hệ thống dữ liệu thống nhất giữa Cục bản quyền tác giả và Cục SHTT để có thể thực hiện công tác thẩm định thông suốt giữa hai cơ quan này.
Do vậy, việc bổ sung quy định về “dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm” làm căn cứ từ chối nhãn hiệu dấy lên một thách thức về tính khả thi hay khả năng liệu thẩm định viên bằng cách nào có thể xác định nhãn hiệu xin đăng ký là bản sao của một tác phẩm có trước, thẩm định viên của Cục SHTT phải thực hiện những hành động cụ thể gì đề ngăn chặn việc đăng ký những nhãn hiệu chứa “bản sao tác phẩm”, hay Điều 73.7 chỉ được xem như cơ sở pháp lý chính thức được luật hóa, nhưng mang nặng tính lý thuyết, để giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và bản quyền.
3. Chủ thể quyền SHTT cần triển khai những chiến lược gì để chống lại tình trạng đầu cơ nhãn hiệu một cách hiệu quả tại Việt Nam?
Không có cách tiếp cận nào phù hợp cho tất cả. Để giải quyết hiệu quả tình trạng đầu cơ (chiếm đoạt) nhãn hiệu ở Việt Nam theo Điều 73.7, việc hiểu rõ và đầy đủ câu hỏi dưới đây là quan trọng:
Có nên đăng ký logo dưới dạng nhãn hiệu hoặc tác phẩm mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam không?
Trên thực tế, hiếm khi thẩm định viên của Cục SHTT chấp nhận các phản đối hoặc các đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu dựa trên lập luận về bản quyền hoặc dựa trên bản quyền trước đó. Dưới đây là một trường hợp hiếm hoi như vậy:
Một câu hỏi mà khách hàng mà nhiều chủ thể thường đặt ra là họ nên đăng ký logo của mình dưới dạng nhãn hiệu hay bản quyền. Lời khuyên của chúng tôi là, ngoài việc đăng ký logo dưới dạng nhãn hiệu, chủ thể quyền SHTT nên chủ động đăng ký logo hoặc tác phẩm mỹ thuật của họ dưới dạng bản quyền tại Việt Nam. Việc này giúp họ có tài liệu chính thức về quyền sở hữu sáng tạo và có thể được sử dụng làm bằng chứng trong các thủ tục pháp lý chống lại bên thứ ba có ý định chiếm đoạt nhãn hiệu.
Để được bảo hộ bản quyền, tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Logo, mặc dù thường được bảo vệ bởi luật nhãn hiệu, nhưng cũng có thể được bảo vệ bản quyền dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Nhiều biểu tượng có đủ điều kiện để được bảo hộ đồng thời cả bản quyền và nhãn hiệu. Nếu logo là một sáng tạo nghệ thuật có tính nguyên gốc và có thể giúp nhận diện được chủ sở hữu, thì logo đó có thể được đăng ký bảo hộ đồng thời dưới dạng bản quyền và nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu logo kết hợp các hình ảnh hoặc hình dạng có sẵn (không còn tính nguyên gốc) và chủ sở hữu muốn ngăn người khác bắt chước thiết kế của mình để tránh nhầm lẫn, thì việc đăng ký nhãn hiệu là cần thiết. Bảo hộ hoặc thực thi quyền đối với nhãn hiệu thường đơn giản hơn so với bản quyền. Mặc dù mọi thiết kế đều tự động có mức độ bảo vệ bản quyền nhất định, nhưng việc thực thi các quyền này có thể phức tạp. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, chủ sở hữu bản quyền có nghĩa vụ chứng minh tính nguyên gốc hoàn toàn của tác phẩm. Đây là một quá trình đầy thách thức và tốn nhiều nguồn lực. Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem bài viết của chúng tôi có tiêu đề “Chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng hoặc Logo: Tại Sao Lại Khó Và Cần Làm Gì?”
Vì vậy, chiến lược tiếp cận mà chủ thể quyền cần thực hiện là chủ động thực hiện các biện pháp luật định cho logo của mình dưới dạng cả bản quyền và nhãn hiệu. Đây được coi là phương án tối ưu để giảm thiểu những vấn đề pháp lý tiềm ẩn trong tương lai, xác lập cơ sở pháp lý vững chắc hơn để bảo vệ tài sản trí tuệ và ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm.
Làm gì để phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu dựa trên bản quyền?
Tài liệu, chứng cứ: Bản quyền đối với tác phẩm, theo quy định tại Điều 73.7, là cơ sở để phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Vì vậy, chủ thể quyền đích thực nên tăng cường nộp đơn phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực, song song với quá trình đó là việc ghi lại một cách tỉ mỉ quá trình sáng tạo và sự tồn tại của tác phẩm có bản quyền. Điều này có thể bao gồm ngày tạo, bản dự thảo, bản phác thảo hoặc bất kỳ bằng chứng nào khác cho thấy sự phát triển và tính nguyên gốc của tác phẩm. Điều quan trọng là phải tạo ra bằng chứng không thể phủ nhận chứng minh rằng tác phẩm có bản quyền đã tồn tại trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu bị tranh chấp.
Đăng ký bản quyền như một công cụ chiến lược: Mặc dù quyền đối với tác phẩm tại Việt Nam được tự động xác lập ngay khi sáng tạo, việc đăng ký bản quyền mang lại sự công nhận chính thức và ngày xác lập rõ ràng. Việc đăng ký này có thể là một công cụ mạnh mẽ trong các thủ tục tố tụng pháp lý liên quan, cung cấp bằng chứng cụ thể về quyền sở hữu và phạm vi quyền nắm giữ.
Chứng minh dụng ý xấu: Nếu có thể, hãy thu thập bằng chứng để thể hiện dụng ý xấu của chủ đơn, chẳng hạn như lịch sử sao chép các tác phẩm khác hoặc cố ý sửa đổi các khía cạnh không đáng kể của các tác phẩm để khẳng định tính nguyên gốc của tác phẩm.
Giám sát và hành động sớm: Thường xuyên giám sát các đơn đăng ký nhãn hiệu mới, đặc biệt là trong các nhóm hàng hóa/dịch vụ liên quan đến doanh nghiệp đang hoạt động của mình. Việc phát hiện sớm hành vi vi phạm tiềm ẩn giúp chủ sở hữu kịp thời nộp đơn phản đối, việc này thường đơn giản hơn so với trường nhãn hiệu đã được đăng ký.
Kết luận
Việc bổ sung chế định về các dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm không được bảo hộ nhãn hiệu trừ khi được chủ sở hữu tác phẩm đó cho phép theo Điều 73.7 của Luật SHTT Việt Nam, mở ra những hướng mới để giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tác phẩm có bản quyền, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu ở Việt Nam, đảm bảo sự cân bằng giữa nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên" và bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người sáng tạo, và đảm bảo rằng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên không lấn át các quyền hợp pháp của chủ sở hữu bản quyền.
Tuy nhiên, việc triển khai quy định này vào thực tiễn vẫn đòi hỏi sự giám sát và đánh giá kỹ lưỡng. Tòa án và Cục SHTT Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích và thực thi quy định này. Hiệu quả của điều khoản này phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách các cơ quan hữu quan sẽ minh định bản chất của "bản sao" của một tác phẩm và “mức độ sao chép cho phép” như thế nào để Điều 73.7 không phải là một chế định mang nặng tính lý thuyết, chỉ có ở trên giấy, mà thực sự trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, trong khi vẫn khuyến khích sáng tạo.
Còn tiếp...