Tập trung chăm lo, tiếp thêm động lực cho người lao động
Sáu tháng đầu năm 2022, trước tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều bất ổn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, Công đoàn Nghệ An đã kịp thời đồng hành, chia sẻ, tiếp thêm động lực và trở thành điểm tựa của đoàn viên, người lao động.
Nhiều khởi sắc
Hoạt động của Công đoàn Nghệ An trong 6 tháng đầu năm đã hiện thực hoá chủ đề “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp”.
Bước sang những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Nghệ An làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động. Tuy nhiên, những tháng gần đây, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới với nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được triển khai kịp thời, hiệu quả. Trong số những dấu ấn về kinh tế xã hội của tỉnh, không thể không kể đến 2 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cấm với quy mô đầu tư 6.457 căn hộ. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, các lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể…
Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh bước đầu đi vào ổn định, thu nhập người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 5 - 5,7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, sắt thép... nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ kéo theo các dự án đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, hiệu quả đầu tư của dự án bị ảnh hưởng và đặc biệt là ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công... đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động và hoạt động công đoàn.
Trước thực tế đó, qua khảo sát của tổ chức công đoàn, đông đảo đoàn viên và người lao động mong muốn bình ổn giá xăng dầu, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động.
Tiếp thêm động lực cho người lao động
Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, đồng chí Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, các cấp Công đoàn Nghệ An đã có nhiều giải pháp, nhiều đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động”.
Một trong những chức năng quan trọng của tổ chức công đoàn là tham gia xây dựng chính sách, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo đó, các cấp công đoàn tổ chức định kỳ ngày pháp luật, thông qua đó để định hướng công tác tuyên truyền, cung cấp văn bản, quy định mới liên quan đến công nhân viên chức lao động. Phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp tham gia góp ý và tổ chức hội nghị góp ý 4 dự thảo văn bản có liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Cụ thể, giúp giải quyết các vướng mắc trong giải quyết chế độ cho công nhân lao động bị F0, hướng dẫn chế độ làm việc, cách ly của các đối tượng công nhân lao động là F1 tại doanh nghiệp, hướng dẫn việc phun khử khuẩn tại doanh nghiệp… Sự kiện tổ chức livetream về chăm sóc hậu Covid-19 và chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nghỉ việc do bị nhiễm Covid-19 trên sóng truyền hình do Công đoàn Nghệ An tổ chức nhận được sự quan tâm, đón nhận của đông đảo đoàn viên, người lao động.
Để phòng ngừa, hạn chế đình công, ngừng việc tập thể, các hoạt động đối thoại tại cơ sở được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công nhân lao động năm 2022 được các cấp, các ngành đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế nắm bắt đời sống người lao động Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiến nghị và đề xuất với các sở ngành, đoàn đại biểu Quốc hội về việc tăng lương tối thiểu vùng và điều chỉnh vùng ở một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kết quả, khi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ban hành, một số huyện của Nghệ An được nâng lên từ vùng 4 lên vùng 3, từ vùng 3 lên vùng 2, nhiều công nhân lao động ở Nghệ An có lương tăng thêm gần 700.000 đồng/tháng.
Công tác thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại doanh nghiệp được các cấp Công đoàn Nghệ An quyết liệt chỉ đạo triển khai như tổ chức hội nghị để bàn các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể, giao chỉ tiêu ký mới, ký lại thoả ước lao động tập thể cho từng đơn vị. Đến nay đã có hơn 85% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể, trong đó một số thỏa ước có nhiều nội dung có lợi về vấn đề tiền lương, tiền thưởng, tiền xăng xe, nhà ở, tiền chuyên cần, hỗ trợ nuôi con nhỏ, khám sức khỏe, tiền ăn ca cho người lao động. Tiêu biểu một số doanh nghiệp thuộc huyện Nghĩa Đàn có chế độ ăn ca cho người lao động từ 35.000 - 37.000 đồng/1 bữa ăn, tại nhiều doanh nghiệp công đoàn cũng đã tích cực trong việc xây dựng thang, bảng lương, nội quy lao động; hàng năm công đoàn phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại đạt gần 70%.
Hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn tiếp tục được đẩy mạnh, với 102 lượt tư vấn pháp luật. Trong đó tư vấn pháp luật 40 kỳ trên Báo Nghệ An, 5 lượt trên trang Truyền hình công đoàn, 57 lượt qua điện thoại và trực tiếp tại văn phòng... Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền pháp luật lưu động về Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cho hàng trăm công nhân lao động.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn Nghệ An đã tham gia chỉ đạo giải quyết thành công 5 vụ đình công. Trong đó, tại Công ty TNHH Vietglory huyện Diễn Châu, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập đoàn công tác để trực tiếp thương lượng các yêu cầu chính đáng của công nhân và được công ty chấp thuận. Vui mừng vì sau khi công đoàn vào cuộc, công ty đồng ý tăng 6% mức lương hiện hưởng, công nhân Nguyễn Thị Hà, Công ty TNHH Vietglory huyện Diễn Châu đã chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn công đoàn nhiều lắm, nhờ sự vào cuộc của công đoàn giúp chúng tôi có thêm thu nhập, có thêm tiền mua sữa cho con”.
Phòng ngừa phản ứng dây chuyền sau khi các vụ đình công xảy ra Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 3 cuộc hội nghị để triển khai giải pháp phòng ngừa, giải quyết đình công trên địa bàn. Hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đang chủ trì và phối hợp xây dựng Đề án “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, giải quyết đình công trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Chương trình đến với nhà trọ công nhân, lao động được các cấp công đoàn triển khai có hiệu quả. Sau khảo sát thực tế, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời hỗ trợ 300 nghìn đồng/người đối với những công nhân, lao động đang ở trọ trên địa bàn khu công nghiệp VSIP. Nhiều huyện, ngành hưởng ứng triển khai thăm tặng quà cho công nhân lao động thuê trọ đến từng xóm trọ, nhà thuê của công nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các hoạt động như thăm tặng quà cho công nhân, lao động khó khăn, hỗ trợ Mái ấm công đoàn cho đoàn viên cũng được triển khai thường xuyên.
Những hoạt động hỗ trợ và chăm lo thiết thực đời sống công nhân lao động của tổ chức công đoàn đã tiếp thêm động lực để người lao động hăng say sản xuất, nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần chung tay cùng doanh nghiệp và chính quyền phục hồi kinh tế sau đại dịch./.