Thi công cao tốc Bắc Nam xuyên Tết
Các Ban Quản lý dự án giao thông (BQLDA - đơn vị chủ đầu tư - Bộ GTVT) đều đã lên kế hoạch thi công xuyên tết trên công trường cao tốc Bắc Nam phía Đông cả giai đoạn I 2017 - 2020 và giai đoạn II 2021 - 2025, nhằm đảm bảo tiến độ lũy tiến về sản lượng, chất lượng, giải ngân vốn đầu tư công, đưa dự án về đích đúng hẹn.
Thi công trụ tháp T16 phía Vĩnh Long dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, không nghỉ trên công trường
Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão, trên công trường dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I đoạn Quốc lộ (QL)45 - Nghi Sơn, nhà thầu thi công hầm chui QL45 thuộc gói thầu XL01 - Công ty CP Tập đoàn Thành Huy vẫn đang tập trung nhân lực, máy móc thi công để kịp thời thông xe tạm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết. Đây là một trong những hầm chui lớn nhất dự án. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Quản lý dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, kế hoạch thi công xuyên Tết đã được BQLDA 2 yêu cầu các nhà thầu cam kết thực hiện tại tất cả các gói thầu.
Cụ thể, tại gói thầu XL01, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn sẽ tập trung hạng mục đắp đất K95, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy sẽ tập trung thi công đắp đất K98 và cấp phối đá dăm loại 1 tại đoạn nền thông thường. Tại gói thầu XL02, các nhà thầu đảm bảo nguồn lực để đào nền đường, đào dỡ tải, đắp đất K98, cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa rỗng. Tại gói thầu XL3, công tác đào nền đường, đắp đất K95, đắp đất K98 và thi công các cầu: Minh Tiến, cầu vượt nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, cầu Yên Mỹ... sẽ được nhà thầu Vinaconex duy trì thi công. Trên công trường những ngày Tết Nguyên đán sẽ huy động gần 170 kỹ sư, tư vấn, người lao động và 240 đầu máy, thiết bị các loại...
Còn trên công trường dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, BQLDA 6 đang đẩy mạnh phong trào thi đua “Xuân Quý Mão trên công trường giao thông” của Bộ GTVT, yêu cầu các nhà thầu đăng ký kế hoạch thi công từ ngày 6/1 - 6/2/2023 gắn với kết quả giải ngân cụ thể, với tổng sản lượng đăng ký thi công khoảng 86 tỷ đồng chia đều các gói thầu như: Công ty CP Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả (gói thầu XL01), Công ty TNHH Hòa Hiệp (gói thầu XL02) và Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (gói thầu XL04). Trên cơ sở kế hoạch đăng ký với BQLDA 6, các gói thầu sẽ huy động gần 100 kỹ sư, công nhân ở lại công trường thi công hầm xuyên Tết, với phương châm đảm bảo “3 ca, 4 kíp” như ngày thường...
Ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 (1 trong 11 dự án dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I) cũng xác định hạng mục quyết định tiến độ dự án là phần cầu chính sẽ được thi công xuyên Tết, với 2 mũi thi công 2 trụ tháp chính là trụ tháp T16 phía Vĩnh Long (cao 119,5m) và trụ T15, với khoảng 60 nhân công. Sản lượng thi công cầu chính hiện đã đạt hơn 50%, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 70% giá trị hợp đồng. Mục tiêu cầu đặt ra sẽ hợp long vào ngày 30/10/2023, đáp ứng thời gian hoàn thành công trình vào tháng 12/2023...
Với các dự án giai đoạn II, theo ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc BQLDA 6 thi công cao tốc thành phần Vũng Áng - Bùng, BQLDA đang rốt ráo yêu cầu nhà thầu thi công Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành tập trung đào, đắp ngay 1,5 km đoạn tuyến chính và khẩn trương làm việc với các liên danh nhà thầu thi công dự án thành phần khác là đoạn Bùng - Vạn Ninh để kiểm tra mặt bằng, bắt nhịp công việc, lên kế hoạch thi côn xuyên Tết.
Tại 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, Giám đốc BQLDA Thăng Long trên cơ sở diện tích mặt bằng đã được địa phương bàn giao khoảng 81% cũng đang huy động 40 đầu máy thiết bị ở mỗi dự án để thi công; tạm ứng 10% giá trị hợp đồng xây lắp cho nhà thầu để có nguồn lực huy động vật tư, thiết bị...
Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, BQLDA Mỹ Thuận cũng yêu cầu các nhà thầu rốt ráo làm việc với địa phương để giải quyết nhu cầu vật liệu cho 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau; đồng thời, yêu cầu nhà thầu thi công Phương Thành, Đèo Cả, Tổng công ty 36… thi công xuyên Tết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lễ khởi công và lập kế hoạch chi tiết từng ngày, từng tuần báo cáo với chủ đầu tư, nhất là với các hạng mục đường gom, đường công vụ, bãi đúc dầm, thí nghiệm vật liệu…
Giám sát chặt chẽ tiến độ
Bộ GTVT đã có công văn đề nghị các BQLDA thực hiện nghiêm túc công tác giám sát công trường thi công trong dịp Tết Nguyên đán theo quy định, các nhà thầu kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có); khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Các đơn vị tư vấn giám sát được yêu cầu bố trí đầy đủ số lượng kỹ sư, tư vấn giám sát, đảm bảo năng lực theo quy định của hợp đồng; giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường.
Về phía các nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường trong quá trình triển khai dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định; đồng thời, phát động thi đua tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, dự kiến nguồn vốn bố trí cho dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 khoảng 44.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân sẽ được đảm bảo kịp thời cho nhà thầu khi thủ tục nghiệm thu được hoàn thiện.
Để tăng cường trách nhiệm thi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các BQLDA giám sát chặt chẽ tiến độ, xem xét, thay thế nhà thầu chậm, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án thành phần.
Đáng quan ngại nhất hiện nay là tại một số dự án đang tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ như: Các hạng mục xử lý đất yếu, hầm Thần Vũ, cầu Xuân Dương 1 và 2, cầu
Hưng Đức tại dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và các hạng mục đường công vụ dọc tuyến, nếu không thi công hoàn thành sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai thi công. Bộ GTVT đề nghị BQLDA 6 tập trung đôn đốc doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, làm tăng ca để bù lại tiến độ đã bị chậm. Thời gian tới, nếu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục để chậm tiến độ, căn cứ các quy định hợp đồng BOT đã ký kết, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
Hay tại dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, báo cáo cho thấy, khối lượng còn lại khoảng 37% giá trị hợp đồng. Nhà đầu tư đang phấn đấu để rút ngắn tiến độ. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị BQLDA đường Hồ Chí Minh tăng cường chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, thiết bị, tăng ca, tăng kíp, khẩn trương hoàn thành công tác đắp nền để thi công móng, mặt đường... đáp ứng tiến độ chung.
Theo Báo Tin tức