Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thống nhất quy định cấm mua bán bào thai

 Dự án Luật Phòng, chống mua bán người mới nhất đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm mua bán bào thai. Quy định này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Sáng 13/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ 3 yếu tố (hành vi, mục đích, thủ đoạn). Đồng thời, để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: Bổ sung "mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác".

Trước ý kiến đề nghị trường hợp người bị mua bán có sự đồng thuận để người khác mua bán mình thì không được coi là nạn nhân của mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn bị coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.

Còn trường hợp mua bán người trên 18 tuổi mà có sự đồng thuận thì Luật này không coi là mua bán người, do yếu tố thủ đoạn (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt) là yếu tố bắt buộc trong hành vi mua bán người. Do có sự thay đổi về khái niệm nạn nhân nên dự thảo Luật đã được bổ sung một điều quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp này.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn trong bào thai. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo Luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.

Về hành vi mua bán bào thai, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người. Do vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật được bổ sung một khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

“Dự thảo Luật đã được bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức này trong công tác phòng, chống mua bán người. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có văn bản đồng ý với đề xuất này”, bà Lê Thị Nga nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào dự luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào dự luật

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với khái niệm “mua bán người” đã được chỉnh lý bao quát rộng hơn nhằm bảo đảm không bỏ sót đối tượng. Để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Nuôi con nuôi và phù hợp với thực tế, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vào sau cụm từ “lợi ích vật chất khác” trong khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật.

Về nội dung quy định cấm “mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trái chiều về sử dụng từ ngữ nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị sửa thành “mua bán người đã thành thai”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng khái niệm được chỉnh lý trong dự thảo luật đã rõ, bảo đảm bao quát phạm vi điều chỉnh.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết