Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp

 Xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp TPHCM là việc làm có tính lâu dài và cần đầu tư tốn kém về nhà xưởng, thiết bị, công nghệ, marketing… Nếu không nằm trong chiến lược của Thành phố và không có sự cam kết đồng hành lâu dài thì doanh nghiệp sẽ dễ bị rủi ro khi Thành phố thay đổi định hướng, ngưng hỗ trợ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Phát triển thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp TPHCM được tổ chức ngày 20/12 tại TPHCM.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế TPHCM nói riêng không còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể nào và thị trường nội địa cũng không còn là “sân chơi” ưu thế của riêng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Tất cả các DN phải cạnh tranh trên trường quốc tế, không phân biệt thị trường mục tiêu là trong nước hay xuất khẩu. Sự cạnh tranh giữa các DN cả trong và ngoài nước đã giúp cho các DN ý thức rõ hơn về vấn đề thương hiệu. Thực tế này đã đặt ra tính cấp thiết cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng hiện nay.

Có thể nói, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, DN của TPHCM đang trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là mối quan tâm của chính quyền thành phố mà còn của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. “Nếu xem thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với DN, đặc biệt trong điều kiện “thế giới phẳng” như hiện nay thì đối với chính quyền thành phố, thương hiệu của sản phẩm, DN được xem là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước”, ông Kiên nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng với mỗi thương hiệu bất kỳ, yếu tố cốt lõi luôn là sản phẩm với khả năng thoả mãn nhu cầu của khách hàng mục tiêu. Vấn đề được nhấn mạnh ở đây sẽ là chất lượng cảm nhận của sản phẩm, nghĩa là mức độ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng qua sự cảm nhận của chính họ.

Tuy nhiên, có sản phẩm tốt thôi là chưa đủ để tạo dựng một thương hiệu. Để tạo dựng lòng tin và danh tiếng, uy tín, rất cần sự linh hoạt, hợp lý và trung thực trong cách thức cung ứng sản phẩm ra thị trường; cần thực hiện đầy đủ những cam kết với khách hàng và ngay cả với người lao động trong chính DN.

Đối với TPHCM, các chuyên gia cũng cho rằng, Thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển của mình, trong đó xác định rõ ngành nào là ưu tiên, thị trường nào, công đoạn nào của chuỗi giá trị, kèm theo là kế hoạch về nguồn lực (ngân sách, nhân lực, công nghệ).

Theo đó, Thành phố nên thảo luận với DN để đề ra chiến lược, vì DN là người đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu và chiến lược của Thành phố. Hơn nữa, xây dựng thương hiệu mạnh là một sự đầu tư tốn kếm và lâu dài (nhà xưởng, thiết bị, công nghệ, marketing…). Nếu không nằm trong chiến lược của Thành phố và không có sự cam kết đồng hành lâu dài thì DN sẽ dễ bị rủi ro khi Thành phố thay đổi định hướng, ngưng hỗ trợ.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của DN mình, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, thương hiệu bán lẻ hàng đầu của cả nước, DN chủ lực của TPHCM tham gia các chương trình bình ổn thị trường cho biết, để tạo sự chuyển dịch ngành phân phối bán lẻ từ tập quán kinh doanh truyền sống sang hiện đại hóa là không hề đơn giản. Động lực để phát triển của Saigon Co.op là dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, nhất là phân khúc khách hàng hiện đại làm tăng nhu cầu mua sắm, cách sống công nghiệp tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết thành phố sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của DN - Ảnh: VGP/Lê Anh

Song song với hệ thống siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op cũng đã phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới tại Việt Nam như chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,… Qua đó, phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ trước sự thán phục của các nhà bán lẻ ngoại.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, để hướng đến phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, lãnh đạo Thành phố mong muốn DN ngày càng phát triển lớn mạnh, có tính liên kết ngành, liên kết giữa các DN, ngày càng có nhiều các DN lớn, có thương hiệu cùng lôi kéo các DN vừa và nhỏ khác cùng phát triển. TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, DN trên địa bàn, từ đó tạo sự lan tỏa cho Thành phố.

Việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào Thành phố sẽ là điều kiện thuận lợi và cũng đặt ra yêu cầu đối với DN trong nước, đó là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và DN - đây chính là lợi thế cạnh tranh bền vững của Dn để khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và quốc tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của DN; tập trung hoàn thành đề án xây dựng TPHCM trở thành khu đô thị thông minh gắn với đô thị sáng tạo. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung hoàn thành hệ thống logistics, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh cho DN và xây dựng khu công nghiệp mới có quy mô 380 ha cho nhà đầu tư.

Lê Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết