Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, đầu tư thành phố tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực.

Huế xứng đáng là thành phố trực thuộc trung ương

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu

Theo Tờ trình của Chính phủ, thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế trực thuộc trung ương có diện tích 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường và 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.

Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh. Khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Cùng với đó, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế- văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế. Việc xây dựng Thành phố Huế trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản.

Nêu ý kiến thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải đủ về tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.

Thành phố phải là cực tăng trưởng của khu vực, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương và tới đây sẽ có thêm Thành phố Huế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, “đầu tư thành phố tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực”. Theo đó, phải có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt vì thành phố là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Nếu lên thành phố thì đầu tiên phát triển như thế nào?" - Tổng Bí thư đặt vấn đề và cho rằng phát triển phải bền vững, hài hòa mới quan trọng.

Theo Tổng Bí thư, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập Thành phố Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí. Tất nhiên vẫn còn những điểm hạn chế thì Quốc hội đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ. Ví dụ như nếu lên thành phố thì sẽ phải đối mặt và vượt qua những khó khăn nào.

Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… đều có quy định.

"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng. Tuy nhiên lên thành phố thì cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không kéo dài" - Tổng Bí thư nêu.

Cần cơ chế tạo đột phá mới để TP. Huế phát triển nhanh, bền vững

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng - đoàn Hà Nam cho rằng, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương như phương án Chính phủ đề nghị là hoàn toàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Việc thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo tiền đề để Thành phố Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Nhất trí với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của Thành phố Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp Thành phố Huế nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng thành phố Huế giàu mạnh, xứng đáng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho rằng, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược tại miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và có tiềm năng phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng. Bên cạnh đó, cố đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn sở hữu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và có nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục, y tế quy mô lớn, lâu đời.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã đầu tư và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, đáp ứng tiêu chí của một đô thị lớn, bao gồm hệ thống giao thông, công trình công cộng và các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cùng với đó, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đô thị lớn, trong đó Thừa Thiên Huế được xác định là khu vực có tiềm năng phát triển vượt trội trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và y tế.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều tiêu chí của đô thị loại I, là tiền đề để chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương là cần thiết và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Trà Vinh, việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương đòi hỏi Huế phải có quy hoạch đô thị phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Do vậy, thành phố cần quan tâm đến việc mở rộng không gian đô thị, phân khu chức năng hợp lý, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc sử dụng đất không hiệu quả. Hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông và các dịch vụ công phải được nâng cấp tương xứng với vị thế mới của thành phố.

Đặc biệt, Huế là nơi có nhiều di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quan trọng của Việt Nam, do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, hệ thống lăng tẩm, đền đài là rất quan trọng. Cần tránh tình trạng phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến các khu vực di sản, mất đi giá trị văn hóa đặc thù của thành phố.

Mặt khác, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, sẽ đặt ra yêu cầu cho thành phố phải tăng cường tự chủ về tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Do vậy, thành phố cần xây dựng các chính sách nhằm tối ưu hóa nguồn thu ngân sách, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách cho đầu tư công, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát lãng phí, phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết