Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VCCI: Siết nhập khẩu gạo có thể gây thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào

Phản biện lại ý kiến của Bộ Công Thương về quy định siết nhập khẩu gạo, VCCI cho rằng việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước, khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm từ Việt Nam.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có Công văn số 7290/BCT-XNK ngày 16/11/2022 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

-5135-1669865929.jpg

Việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước.

Cụ thể, VCCI cho biết Điều 1.8 Dự thảo (bổ sung Điều 10a vào Nghị định 107/2018/NĐ-CP) bổ sung việc quản lý nhập khẩu gạo khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, việc bổ sung phạm vi điều chỉnh với nhập khẩu gạo cần xem xét các biện pháp quản lý nhập khẩu đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy định chi tiết. Việc áp dụng biện pháp nào, căn cứ áp dụng, điều kiện áp dụng đều đã được quy định và các cơ quan nhà nước cần tham chiếu các quy định này khi áp dụng. Do vậy, cần cân nhắc về sự cần thiết về quy định này tại Dự thảo.

Bên cạnh đó, quy định như dự thảo hiện nay chưa đủ rõ ràng, chẳng hạn không rõ tiêu chí nào để đánh giá “tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”? Không rõ các biện pháp quản lý nhập khẩu mà cơ quan nhà nước được đề xuất là gì?…

Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp quản lý hạn chế nhập khẩu không phải chỉ mang lại tác dụng tích cực, chẳng hạn như Tờ trình Dự thảo đã đề cập, việc nhập khẩu gạo tăng trong thời gian qua là để phục vụ sản xuất các mặt hàng khác như thức ăn chăn nuôi, bia… trong khi Việt Nam chuyển dịch sang xuất khẩu các loại gạo cao cấp hơn.

Do vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước, khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm từ Việt Nam… Việc áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu cũng cần xem xét đến lợi ích của cả các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu để sản xuất.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung quy định này. Việc quản lý nhập khẩu, theo VCCI, nên áp dụng thống nhất quy định của Luật Quản lý ngoại thương. Dù vậy, Dự thảo có thể quy định về việc cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước khác để cơ quan quản lý có thêm thông tin khi ra quyết định (như Dự thảo đã quy định).

Trước đó, Bộ Công Thương công bố dự thảo và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang bộc lộ một số vấn đề bất cập, trong đó xuất hiện tình trạng nhập khẩu gạo trong bối cảnh giá lương thực tăng cao.

Trong năm 2021, Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước), chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

“Việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh…, tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội”, Bộ Công Thương đánh giá.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Lê Thúy 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết