Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên
Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Thị trường carbon được xem là công cụ hữu hiệu và khả thi thực hiện giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng tới phát triển bền vững và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cần thiết phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng kí tín chỉ carbon.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Net Zero mà Việt Nam cam kết tại COP26 là mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Việc xây dựng thị trường carbon là chìa khóa, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp.
Xác định tầm quan trọng của thị trường tín chỉ carbon, ngày 29/9 Tập đoàn CT Group ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế. Đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.
Công bố sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam |
Bà Hoàng Bạch Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group cho biết từ ngày 1/10/2023 tới đây, 27 quốc gia EU bắt đầu thực hiện thí điểm về việc đánh thuế carbon với hàng hóa xuất sang thị trường theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hoa Kỳ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào năm 2024.
Trên thế giới, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trong thế giới toàn cầu hóa, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu. Đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon mà những thị trường lớn đang áp dụng sẽ đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Dương nói.
Được biết quá trình xây dựng, vận hành thị trường carbon đòi hỏi đầu tư về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Hơn nữa đây là thị trường còn mới mẻ ở Việt Nam, dẫn đến nhiều khó khăn trở ngại phải đối diện. Việc CCTPA ra đời cũng đặt dấu chân tiên phong trong Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Nói thêm về Sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam, bà Hoàng Bạch Dương nhấn mạnh CCTPA được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, CCTPA còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon.
Ngoài ra, CCTPA cũng nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng dụng Blockchain và Crypto cho thị trường carbon, giúp các giao dịch được xác thực, bảo mật và minh bạch, tăng cường sự tin tưởng giữa các bên tham gia.