Xây dựng Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đã tiến hành tham vấn các tổ chức, chuyên gia trong nước, khảo sát các địa phương, các tổ chức liên quan; trao đổi với các chuyên gia quốc tế triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Samco (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN
Đến nay, dự thảo Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, báo cáo Đề án theo cấu trúc cơ bản, gồm: Mở đầu là tình hình thực hiện chủ trương chính sách liên quan đến thúc đẩy năng suất lao động và thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam giai đoạn 2011-2021; quan điểm, mục tiêu và giải pháp tăng năng suất lao động giai đoạn 2022-2030 và tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, đề án tập trung vào phân tích năng suất lao động theo ngành, vùng, thành phần kinh tế và các nhân tố tác động; các cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến năng suất lao động, với phạm vi rộng hơn các đề án trước chỉ tập trung vào nguồn nhân lực; giáo dục - đào tạo; khoa học công nghệ; đề cập, phân tích về ổn định kinh tế vĩ mô do tầm quan trọng đối với tạo môi trường ổn định cho cải cách vi mô, đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, dự thảo đề án tập trung vào các điểm nhấn chính, gồm: thúc đẩy năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức nhằm tạo thêm động lực cho tăng năng suất lao động bền vững hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo tập trung phân tích tổng thể nền kinh tế, khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trọng điểm; kết quả đạt được về năng suất lao động của cả nước và theo ngành kinh tế, khu vực, địa phương; chất lượng lao động; những hạn chế, yếu kém; từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Góp ý cho dự thảo, các đơn vị liên quan đánh giá cao nội dung của dự thảo, đưa ra các đánh giá khá toàn diện; đồng thời, tập trung phân tích vào quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ giải pháp và những định hướng giải pháp chính nhằm thúc đẩy năng suất lao động bền vững hơn.
Đề xuất cho dự thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, dự thảo phải nhấn mạnh được tăng năng suất lao động trở thành một động lực chủ chốt cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực chính cho cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Nền tảng để khai thác động lực cho tăng trưởng năng suất lao động dựa trên tiền đề cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường và cơ cấu lại nền kinh tế thực chất và hiệu quả; vai trò dẫn dắt là chuyển đổi số, đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng.
“Đồng thời, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, khu vực và vùng kinh tế theo hướng gia tăng khả năng cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức