Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xét xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Những tình tiết “bất ngờ” từ vụ án

Tại toà, nhiều lời khai bất nhất với cáo trạng, đặc biệt, từ lời khai của “trùm" buôn lậu 200 triệu lít xăng giả cho thấy còn nhiều góc khuất trong vụ án.

Sáng nay 14/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tiếp tục xét xử vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép... liên quan đến đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.

Nội dung của phiên toà hôm nay, Viện kiểm sát Quân sự Bộ đội Biên phòng sẽ nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 2 cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh và các bị cáo khác.

Điều đáng lưu ý, trong các phiên chất vấn tại toà, nhiều lời khai của các bị can và nhân chứng không có sự thống nhất. Nhiều lời khai của nhân chứng Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh), được cho là “cầm đầu” đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng giả đã cho thấy còn nhiều "góc khuất" của vụ án.

Chi tiền cho cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh làm nhà thờ, đi chơi golf

Theo cáo trạng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn (SN 1968, tại TP.Hồ Chí Minh), Phùng Danh Thoại – cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và một số cá nhân góp vốn gần 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.

Để có thể buôn lậu xăng dầu số lượng lớn trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Phan Thanh Hữu phải chi hối lộ hàng tháng cho cán bộ, trong đó có cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4) đã nhận 6,9 tỷ đồng hối lộ của Hữu.

Xét xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Những tình tiết “bất ngờ” từ vụ án
Các bị cáo tại phiên toà

Theo cáo buộc, bị cáo Lê Văn Minh thông qua vợ và con gái đã nhận hối lộ số tiền trên để bảo kê, giúp đỡ ông Hữu buôn lậu xăng dầu sang Campuchia. Phan Thanh Hữu đưa tiền cho ông Lê Văn Minh để được "tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê" cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.

Khi đưa tiền, ông Hữu đều thông qua con trai là Phan Lê Hoàng Anh, chuyển vào tài khoản của bà Liên (vợ ông Minh) 750 triệu đồng và đưa trực tiếp 450 triệu đồng.

Ngoài ra, từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020, ông Hữu trực tiếp đưa tiền mặt mỗi tháng 450 triệu cho bị cáo Lê Văn Minh tại nhiều địa điểm ở TP.HCM. Ngày 4/8/2020, ông Hữu còn chuyển vào tài khoản chị Linh (con gái ông Minh) 500 triệu đồng.

Trả lời luật sư tại phiên thẩm vấn, ông Hữu khai, ông và cựu thiếu tướng Lê Văn Minh góp chung tiền để kinh doanh tàu cá. Sau khi có lợi nhuận, ông Hữu đưa tiền lời là 1,25 tỷ đồng cho bà Liên và con gái ông Minh để làm công đức.

Khi luật sư đặt câu hỏi: Viện kiểm sát cáo buộc ông Minh nhận 6,9 tỷ đồng, vậy khoản nào ông tặng ông Minh đi chơi golf, còn khoản nào hối lộ? Ông Hữu cho biết, khi đơn vị của ông Lê Văn Minh làm nhà thờ, ông Hữu nói hàng tháng anh sẽ lo hết cho em.

Ông Hữu còn cho biết, khi cựu thiếu tướng Lê Văn Minh thi thoảng vào TP.Hồ Chí Minh để chơi golf, ông ta đưa cho ông Minh 150-200 triệu đồng mỗi tháng. Còn lại số tiền 400 triệu đồng thì ông Hữu đưa cho bị cáo Minh để đúc chuông, làm trần và cửa gỗ nhà thờ.

Ông Hữu khai nhận: “Có tháng đưa 150 triệu, có tháng 200 triệu, 400 triệu là phụ cho Minh đúc chuông, làm trần, cửa gỗ cho đền thờ thật đẹp”.

Trước đó, khai tại tòa, bị cáo Minh thừa nhận có nhận tiền từ ông Hữu, song nói rằng đây chỉ là quà chứ “không có tính chất ăn chia theo tháng".

Ngoài những lời khai trên, ông Hữu nói mình không đưa hối lộ hàng tháng 500 triệu đồng với tổng số tiền 6,9 tỷ đồng cho bị cáo Minh như cáo trạng cáo buộc.

“Hô biến” tiền hối lộ thành tiền “vay mượn”

Về phần bị cáo Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, cựu Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh), ông Hữu khai nhận từ 9/2019 - 12/2020 đã chi mỗi tháng 500 triệu đồng, tổng cộng 8 tỉ đồng để nhờ Hùng bảo kê cho đường dây buôn lậu của mình.

Từ tháng 3/2020, khi chuyển lậu xăng về tiêu thụ trong nước, bị cáo Hùng và ông Hữu bàn nhau dùng 500 triệu đồng mà Hữu chi cho Hùng để hối lộ bị cáo Phạm Văn Trên (cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) mỗi tháng 100 triệu đồng; các bị cáo Lê Văn Phương (cựu Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) và Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) mỗi tháng 30 triệu đồng.

Tính tổng cộng, với số tiền 500 triệu đồng, bị cáo Hùng đã chi cho bị cáo Phạm Văn Trên 1 tỉ đồng, Lê Văn Phương 360 triệu đồng, Phạm Hồ Hải 330 triệu đồng. Còn lại là của Hùng.

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hùng thừa nhận việc có bàn bạc thống nhất với Hữu chi tiền cho các bị cáo Trên, Phương, Hải từ số tiền 500 triệu của ông Hữu.

Khi luật sư hỏi, việc chi tiền cho bị cáo Trên, Hải và Phương là tiền hối lộ hay tiền vay mượn như lời khai ban đầu của ông Hùng. Bị cáo Hùng trả lời: Sau khi biết ông Hữu bị bắt vào tháng 2/2021, bị cáo Hùng hẹn gặp các bị cáo Trên, Phương, Hải để thông báo và thống nhất với 3 bị cáo trên là số tiền Hùng chi hối lộ mỗi tháng là tiền "trả nợ” để đối phó khi cơ quan điều tra kiểm tra.

Theo lời khai của bị cáo Hùng, lý do thời gian đầu bị bắt nhất quyết không khai về việc hợp thức tiền nhận hối lộ vì đã dặn dò bị cáo Hải, Trên, Phương: “Các anh lo cho gia đình, vợ con của em, em sẽ không khai”.

"Tuy nhiên, sau khi bị bắt tạm giam, bị cáo suy nghĩ và nhận thức được sai phạm của mình nên quyết định khai. Thực tế, giữa bị cáo và Phạm Hồ Hải không có chuyện vay mượn gì" - ông Hùng nói.

Khi được hỏi “theo bị cáo, Phạm Hồng Hải có biết Phạm Thanh Hữu buôn lậu xăng dầu hay không?”, cựu thượng tá cho rằng: "Theo nhận thức của tôi, anh Hải có biết các tàu của ông Hữu có sai phạm nhưng không biết sai phạm cụ thể là gì, vì có sai phạm thì Hữu mới chi tiền cho Hải nhiều và suốt thời gian dài như vậy".

Tại phiên tòa, các bị cáo Hùng, Trên, Phương đều thừa nhận hành vi nhận tiền từ ông Hữu qua Hùng. Riêng bị cáo Phạm Hồ Hải khẳng định việc bị cáo Hùng vay tiền là thật và Hùng chỉ chuyển khoản trả nợ chứ không phải tiền hối lộ.

Bị can một mực kêu oan – nhân chứng khai bị doạ

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh (49 tuổi, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang) tiếp tục khẳng định không thỏa thuận, nhận tiền hối lộ từ ông Phan Thanh Hữu để bảo kê đường dây buôn lậu xăng dầu của Hữu và đồng bọn như cáo trạng nêu, mà “bị cơ quan điều tra ép cung”.

Phản bác lại lời khai của ông Thế Anh, ông Hữu khai trước tòa: Ông có chi tiền hằng tháng cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 10/2019 - 1/2021 bằng cách chuyển trực tiếp cho bị cáo Nguyễn Văn An (33 tuổi, trú tại TP.Hồ Chí Minh, em họ bị cáo Thế Anh).

Theo thỏa thuận mỗi tháng ông Hữu sẽ chi cho bị cáo Nguyễn Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Từ tháng 10/2019 - 2/2020, ông Hữu đã chi cho cựu đại tá Nguyễn Thế Anh 150.000 USD và 500 triệu đồng.

Đến đầu năm 2020, ông Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên hẹn gặp bị cáo Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX, TP.Hồ Chí Minh.

Tại cuộc gặp, bị cáo Nguyễn Thế Anh yêu cầu ông Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền hằng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng.

Ông Hữu chấp nhận chi hối lộ cho bị cáo Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 – 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỉ đồng.

Đến tháng 8/2020, ông Hữu biết bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 – 1/2021, mỗi tháng chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.

Trả lời câu hỏi vì sao khi biết bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, không còn liên quan đến hoạt động buôn lậu của mình nữa, nhưng vẫn chi tiền cho Nguyễn Thế Anh.

Ông Hữu khai: Khi biết Nguyễn Thế Anh chuyển công tác thì cắt tiền chi hàng tháng nhưng bị cáo Anh đã gọi điện để dọa. "Thế Anh gọi cho tôi nói: Anh muốn gì? Thế Anh dọa tôi như vậy nên tôi phải tiếp tục chi tiền", ông Hữu khai.

Tổng số tiền ông Hữu chi hối lộ cho bị cáo Anh là 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết