Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Thông đường’ đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Dù chắc chắn sẽ có những khó khăn thách thức không nhỏ, nhưng với tốc độ tăng mạnh như hiện nay, mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 hoàn toàn có thể đạt được.

Sau gần 2 năm "đóng băng" do dịch Covid-19, hàng loạt thị trường đã mở cửa trở lại, số lao động Việt Nam xuất cảnh đang tăng lên nhanh chóng. Dự kiến, tốc độ này trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn nữa. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang tìm kiếm nhiều thị trường chất lượng cao và mở rộng thêm các ngành nghề có thu nhập tốt. 

Thị trường xuất khẩu lao động nhộn nhịp trở lại

Trong dòng người chờ cấp visa, anh Nguyễn Văn Thọ (36 tuổi, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kể: Tháng 3/2021, anh bắt đầu làm các thủ tục, giấy tờ và đợi đến ngày được cấp visa xuất cảnh sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Tuy vậy, do dịch COVID-19 kéo dài nên anh chưa hoàn thiện nốt các thủ tục còn lại.

a15-5144-jpeg-4902-1649759491.jpg

Hàng trăm lao động chờ làm thủ tục xin cấp visa Đài Loan

"Sau khi nghe tin công ty thông báo làm thủ tục xin cấp visa để đi Đài Loan, tối 7/3 vừa qua, tôi và một số bạn bè cùng công ty đợt này đón xe ra Hà Nội. Tôi đã chờ đợi hơn một năm nay rồi nên rất háo hức mong đến ngày được lên đường", anh Thọ chia sẻ.

Theo lịch hẹn, sáng ngày 8/3, chị Nguyễn Thị Nga (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) có mặt tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (trụ sở tại Hà Nội) để lấy visa. Chia sẻ với VnBusiness, chị Nga cho biết, năm ngoái vừa đóng gần 200 triệu để xuất khẩu lao động sang Đài Loan thì chị nhận được thông báo dừng tiếp nhận lao động ra nước ngoài do dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Từ đầu tháng 3, phía Đài Loan mở cửa trở lại, công ty gọi tôi ra Hà Nội để làm visa. Dự kiến khoảng cuối tháng này sẽ sang Đài Loan làm việc. Tôi rất mong chờ ngày này”, chị Nga nói.

Thống kê cho thấy, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là những địa phương có số người xuất khẩu lao động hàng đầu cả nước. Với mong muốn sớm được đi xuất khẩu lao động để có thể cải thiện cuộc sống nhưng do tác động của dịch bệnh, nên nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước cũng bị ảnh hưởng, người lao động trong nước đã phải chờ rất lâu.

Anh Trần Anh Đức (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) cho biết, không thể quên được những ngày tháng bám trụ tại Hà Nội để chờ đợi sang Nhật Bản làm việc. Năm ngoái, khi Nhật Bản dừng tiếp nhận lao động nước ngoài do dịch bệnh bùng phát mạnh, anh đã làm rất nhiều công việc như công nhân thời vụ, chạy xe ôm công nghệ... để theo đuổi giấc mơ xuất ngoại.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến hết quý I/2022 đã có trên 2.500 lao động xuất cảnh. Cụ thể, Nhật Bản có 612 lao động, Đài Loan: 439 lao động, Hàn Quốc: 336 lao động, Singapore: 331 lao động, Trung Quốc: 1.245 lao động, Hungary: 99 lao động, Nga: 71 lao động, Ba Lan: 68 lao động, Rumani: 65 lao động…

Từ đầu tháng 3, anh Đức được công ty thông báo phía Nhật Bản mở cửa cấp visa trở lại. Anh đã đến làm thủ tục. “Chúng tôi mong lần này, phía Nhật Bản mở hoàn toàn để lao động yên tâm xuất cảnh. Bởi làm việc ở nước ngoài có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc khá tốt, có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề sau này trở về làm việc trong nước”, anh Đức chia sẻ.

Hướng đến thị trường thu nhập cao

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhiều biện pháp đồng bộ đang được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022. Ngoài ổn định thị trường lao động truyền thống tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam, Cục đang từng bước mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia...

Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hiện nay căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu lao động sang các nước châu Âu. Hơn nữa, những thị trường này khó tính hơn so với các thị trường truyền thống, đòi hỏi tay nghề lao động cao hơn.

Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp đang gấp rút tuyển dụng và đào tạo lao động một cách bài bản. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty XNK Suhatco (Hà Nội) cho biết, việc tìm kiếm thị trường mới theo hướng công việc tốt hơn, cho thu nhập cao hơn và bền vững hơn là trọng tâm của công ty trong năm 2022.

Dự kiến từ tháng 4, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá là khá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Cũng hướng tới thị trường tiềm năng Australia, Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh đang tích cực làm việc với đối tác Australia để chuẩn bị đưa người lao động diện visa 462 sang nước này làm việc. "Visa 462 là visa dành cho công dân những nước được Bộ Di trú Australia chỉ định đến Australia làm việc trong ngắn hạn. Visa này cho phép người lao động làm việc tại Australia trong thời gian 1 năm và được gia hạn 2 lần tiếp theo. Như vậy, người lao động sẽ được làm việc trong 3 năm và nếu đủ điều kiện sẽ có thể kéo dài thời gian làm việc và định cư”, đại diện công ty thông tin.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm gần đây, việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại.

Hoàng Hà


Tác giả: Thị trường xuất khẩu lao động nhộn nhịp trở lại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết