Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại bỏ những ngành nghề và thị trường lao động có rủi ro cao

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hội nghị trực tuyến sáng 25/8, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16 - CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi nước ngoài.

Chủ trì tại điểm chính có các đồng chí: Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng dự có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu quốc hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong những năm qua, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16- CT/TW đã được nhiều cấp ủy đảng, chính quyền triển khai nghiêm túc, kịp thời.

Cùng với đó, quy mô tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp - cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành chỉ thị. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên tới 25 thị trường.

Trong 10 năm qua, các địa phương đã đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Ngoài học ngoại ngữ, người lao động cần phải được trang bị các kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Thanh Nga

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ năm, cao hơn nhiều lần so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị. Điều này không chỉ góp phần giúp người lao động và gia đình xóa đói, giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước; góp phần xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có trên 65.000 người đang làm việc tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Giai đoạn 2013 - 2022, toàn tỉnh đưa đi làm việc ở nước ngoài được 119.427 người lao động, 138 người chuyên gia. Trong đó, 100% lao động được đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết; khoảng 62% lao động được đào tạo nghề nghiệp trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động được đào tạo kỹ năng trước khi sang làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Thanh Nga

Cương quyết loại bỏ những ngành nghề rủi ro cao

Kết luận tại hội nghị, bên cạnh ghi nhận những thành quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung còn thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác đưa người lao động và chuyên gia đi nước ngoài. Theo đó, hiện nay, công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động chưa đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp. Công tác hoàn thiện hệ thống luật pháp cho người lao động làm việc ở nước ngoài còn chậm, nên việc bảo trợ cho công dân đang làm việc ở nước ngoài còn gặp khó khăn.

Bộ trưởng cũng lưu ý, một số địa bàn đưa người đi lao động rất đông nhưng còn thiếu sự quản lý chặt chẽ nên để xảy ra việc vi phạm pháp luật hoặc bỏ trốn. Thế nên các địa phương cần quan tâm chăm lo “đầu vào, đầu ra”, quan tâm việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và kỹ năng cho người lao động. “Địa phương nào làm tốt ắt hẳn rất ít những vi phạm xảy ra" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng sàng lọc những địa bàn rủi ro, ngành nghề rủi ro, điển hình như nghề giúp việc gia đình ở địa bàn Ả rập xê út, Trung Đông. "Chúng ta cần có những cách thức khảo sát, kiểm tra để khuyến cáo các doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài loại bỏ những ngành rủi ro, những địa bàn rủi ro" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật