Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ shop online nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh

Những người bán hàng online, có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế sẽ bị nêu tên công khai và xem xét tạm hoãn xuất cảnh.

Theo quy định, hiện nay, người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ kinh doanh trực tuyến trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử… còn nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% trên doanh thu. 

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền. Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử.

Cụ thể, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có xem xét tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.

-6163-1708923355.png

Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có xem xét tạm hoãn xuất cảnh với người bán hàng qua thương mại điện tử chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Các biện pháp này mấy năm qua đã được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, riêng với người bán hàng qua thương mại điện tử, cơ quan thuế chủ yếu tuyên truyền, khuyến khích, đôn đốc để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các bên thứ ba tự giác kê khai, nộp thuế.

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Theo Bộ Tài chính, trước kia khi chưa được bổ sung thẩm quyền này, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã "cao chạy xa bay" trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, để chống thất thu ngân sách nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ, quy định này là cần thiết để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn.

Tổng cục Thuế vừa có công văn đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của pháp luật về cung cấp thông tin thương mại điện tử đến toàn bộ người nộp thuế, đặc biệt tới các tổ chức là chủ sở hữu sàn thươngmại điện tử thuộc địa bàn quản lý.

Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Đáng chú ý, để chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục rà soát, phối hợp với Sở Công Thương để trao đổi thông tin về các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn sàn thực hiện cung cấp thông tin theo quy định.

Trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của người nộp thuế thì cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa người nộp thuế và sàn thương mại điện tử...) hoặc báo cáo thu nhập sẵn có có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của sàn thương mại điện tử và người nộp thuế cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác.

“Trường hợp các cá nhân không hợp tác, không phản hồi thông báo của cơ quan thuế thì thực hiện lựa chọn một số trường hợp điển hình, lập danh sách, báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, từ đó đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành”, Tổng cục Thuế nêu rõ.

Từ năm 2022, ngành thuế có cổng thông tin thương mại điện tử để hỗ trợ các sàn trong việc khai thuế thay người bán. Hiện tại, cổng này là nơi để các bên cung cấp thông tin người bán và hỗ trợ họ trong việc khai thay cá nhân kinh doanh. Cá nhân bán hàng cũng có thể khai trực tiếp trên cổng.

Thống kê đến hết năm ngoái, có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng. Tổng số thuế đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó gần 6.900 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Cổng thông tin thương mại điện tử ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin đến hết năm 2023. Số thu từ thương mại điện tử với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt hơn 536 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tính đến tháng 12/2023, theo Statista.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết