Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thừa Thiên Huế: Để làng nghề truyền thống thành điểm đến du lịch

Thừa Thiên Huế nơi lưu giữ nhiều nghệ nhân, làng nghề tinh xảo, đặc sắc. Tuy nhiên, để biến nơi đây thành điểm đến du lịch, cần có những giải pháp dài hơi.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Hiện nay, theo thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế có 88 làng nghề truyền thống gồm nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu Lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ,… và 3.000 cơ sở sản xuất liên quan đến nghề truyền thống.

Các nghề và làng nghề truyền thống được phân bố trong không gian rộng từ thành phố Huế đến các huyện. Trong đó, một số làng nghề nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến như hoa giấy Thanh Tiên, gốm Phước Tích, hương trầm Thủy Xuân…

Theo Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 thì việc khôi phục, phát triển nghề truyền thống và làng nghề được xác định phải gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016 – 2021 đã đưa ra định hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững, gắn với giá trị của di sản, cảnh quan trong đó có cả nghề truyền thống.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế xây dựng đề án quy hoạch và bảo tồn phát huy giá trị làng nghề truyền thống, trong đó, xây dựng các chính sách về khuyến công để hỗ trợ thiết bị, máy móc cho một số hộ cá thể, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, Sở đang thực hiện đề tài Quy hoạch nghề và các làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Đề tài sẽ triển khai tổng thể, đồng bộ, khảo sát chọn lọc khoảng 60 điểm làng nghề để đánh giá, tư liệu hoá, số hoá các thông tin, dữ liệu, hình ảnh và lập bản đồ định vị các làng nghề. Qua đó, vừa lưu trữ thông tin, hình ảnh, kể các các công đoạn sản xuất của nghề truyền thống… nhằm giúp cho các đơn vị lữ hành, du khách tìm đến các làng nghề truyền thống một cách dễ dàng.

Đẩy mạnh quy mô làng nghề, quảng bá thương hiệu

Theo đánh giá, các nghề, làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu mang tính hộ cá thể, gia đình. Sản xuất kinh doanh theo hướng thương mại, ít đầu tư sản phẩm cho lĩnh vực dịch vụ du lịch. Do đó, việc đáp ứng khi có những đoàn khách lớn, khách tàu biển có nhu cầu tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề thì chưa có cơ sở lớn để đáp ứng.

Ông Đỗ Ngọc Cơ - Chủ tịch Hội lữ hành Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tour tham quan tại các làng nghề truyền thống chủ yếu bán cho khách Châu Âu, Úc, Mỹ… tuy nhiên chưa nhiều, chủ yếu là tour kết hợp chứ chưa tổ chức tour chính do quy mô nhỏ lẻ, du khách chỉ dừng chân check in thôi chứ chưa có không gian để trải nghiệm. “Để thu hút du khách đến với làng nghề cần quy tụ một vài địa điểm quy mô, đầu tư chỉn chu, bài bản và đặc biệt có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và bày cách làm du lịch cho họ”, ông Đỗ Ngọc Cơ cho biết thêm.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, để du lịch làng nghề truyền thống phát triển cần có nhiều giải pháp căn cơ, trong đó tập trung 3 phía đó là chính quyền địa phương, ngành du lịch và người dân.

“Sau mỗi kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống chính quyền địa phương nên xây dựng một sản phẩm du lịch, một điểm tham quan thực sự tại các nghề truyền thống, với mục đích mang lại nguồn lợi để phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch quan tâm hơn nữa trong quảng bá, giới thiệu điểm đến, hướng du khách đến với các làng nghề, nghề truyền thống chứ không phải làm “nhánh” trong giới thiệu tour. Đồng thời, bản thân người dân, cơ sở sản xuất cũng cần có định hướng đầu tư bài bản, có đủ không gian trải nghiệm để thu hút du khách. Nếu làm được thì hiệu quả mang lại từ nguồn này là rất lớn”, ông Đinh Mạnh Thắng mong muốn.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua ngành du lịch đẩy mạnh quảng bá, kết nối các làng nghề với các đơn vị lữ hành về các sản phẩm nghề truyền thống không chỉ trực tiếp mà còn theo hình thức online, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ngành du lịch đang tìm đối tác lớn chọn một làng nghề để làm thí điểm mô hình vừa duy trì sản xuất sản phẩm thương mại vừa có sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào một số làng nghề …

Sở Du lịch thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội làng nghề, các hộ cá thể có sản phẩm đặc sắc tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước; kết nối với các đơn vị lữ hành tham gia các hội chợ ở Châu Âu… để lan toả rộng rãi hơn nghề truyền thống của Huế - nghề gắn với du lịch”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết