Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19

Ngày 8/3, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt thực hiện Quyết định số 528/QĐ-BYT ngày 3/3/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị khẩn trương nghiên cứu và tổ chức tập huấn, thực hành các nội dung trong Quyết định số 528/QĐ-BYT cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị; đặc biệt là cán bộ y tế tại tuyến xã, phường, thị trấn biết để quản lý và điều trị các trường hợp trẻ em mắc Covid-19 tại nhà.

Trường hợp trẻ em mắc Covid-19 được quản lý và điều trị tại nhà, cán bộ y tế có nhiệm vụ hướng dẫn người nhà biết cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh chuyển nặng hơn để yêu cầu hỗ trợ về y tế hoặc chuyển trẻ em mắc Covid-19 đến bệnh viện kịp thời; áp dụng các chế độ dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, ổn định tâm lý, tăng khả năng chống đỡ với bệnh và thực hiện các biện pháp chăm sóc an toàn, không để xảy ra lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng. 

Theo đó, hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 như sau: Theo dõi các dấu hiệu về tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: 

Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật. Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn… Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, tiểu ít… Tím tái; SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2); nôn mọi thứ. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết