Trung Sơn nỗ lực giảm nghèo
Trên địa bàn xã Trung Sơn (A Lưới) xuất hiện những điển hình thoát nghèo bền vững. Đây là điều kiện thuận lợi cũng là giải pháp để Trung Sơn hạ dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống mức thấp nhất theo kế hoạch.
Tặng quà, hỗ trợ người dân Trung Sơn vươn lên trong cuộc sống
Bà Hồ Thị Nga, trú tại thôn A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn tâm sự, được sự hỗ trợ bò của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, gia đình chăm chỉ chăn nuôi với mong muốn vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Kể từ năm 2017, sau khi lứa bò đầu tiên sinh sản, đến nay, gia đình đã có 3 con bò. Ngoài chăn nuôi bò, gia đình còn tích cực trồng rừng, cải tạo vườn tạp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn – Nguyễn Tiến Dũng dẫn chứng, ngày ra ở riêng, vợ chồng anh Hồ Văn Bảy, chị Hồ Thị Chớ ở thôn A Niêng - Lê Triêng 1 được cha mẹ cho 1 cặp dê, 1 cặp bò để làm giống. Được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện vay vốn, nên chỉ sau một thời gian ngắn, vợ chồng anh Hồ Văn Bảy đã có trong tay nhiều thứ. Giờ, gia đình anh Bảy đã có cả một trang trại nuôi bò, dê đàn hàng chục con. Vợ chồng anh còn có cả nghìn gốc chuối được trồng xen canh với cây nghệ và nhiều hoa màu khác. Mỗi năm, vợ chồng anh Bảy thu được từ 50-60 triệu đồng.
Nói về vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo bền vững (GNBV), già làng A Niêng - Lê Triêng 1 - Hồ Văn Hạnh, xã Trung Sơn quả quyết: “Vấn đề đầu tiên là, phải “thoát nghèo” được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Từ đó, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống chính bằng những công việc làm cụ thể. Để vận động, thuyết phục được bà con, bản thân người uy tín phải “miệng nói, tay làm”. Bởi vì, bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả”.
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn – Lê Văn Nghiếu thống kê, xã hiện có 623 hộ nghèo (theo chuẩn mới). Mục tiêu mà cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị địa phương đặt ra, phấn đấu trong năm 2022, giảm được 135 hộ nghèo. Xác định nguyên nhân, nhu cầu của từng hộ nghèo, Ban Chỉ đạo GNBV xã đã phân công từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ thoát nghèo cho từng hộ dân, nên số hộ nghèo từng thôn giảm đáng kể. Ví như, thôn A Deeng - Par Lieng 1 có 101 hộ nghèo, cuối năm 2022 giảm 23 hộ nghèo…
Giải pháp mà cấp ủy, chính quyền địa phương xã Trung Sơn đặt ra là, tăng cường cán bộ, đảng viên về cơ sở, cùng với đội ngũ cốt cán của xã và thôn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thoát nghèo bền vững. Hộ nghèo nào gặp khó khăn gì đều được Ban Chỉ đạo GNBV xã tập trung tìm cách tháo gỡ để đạt tiêu chí giảm nghèo. Đồng thời, lấy những gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã để các hộ nghèo học và làm theo.
“Tuy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng từ khi triển khai phương án với những giải pháp GNBV theo từng hộ gia đình, địa chỉ cụ thể, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trong xã Trung Sơn đã thay đổi. Nhiều hộ dân đã tích cực hơn trong chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình”, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn – Hồ Văn Lài khẳng định.
Hy vọng, với nỗ lực nội tại kết hợp với sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của các cấp, các ngành, Trung Sơn giảm dần tỷ lệ hộ nghèo; góp phần đưa huyện A Lưới thoát ra khỏi 74 địa phương nghèo của cả nước trong năm 2023.
Bài, ảnh: Tâm Anh