Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng
Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 sẽ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của chương trình là chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa ở Trung ương và địa phương tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn. Cụ thể: Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, giáo dục đạo đức, lối sống. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy bền vững di sản văn hóa vật thể và vật thể truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo.
Ngoài ra, Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030còn ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng. Phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khẳng định văn hóa là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức và tư tưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 6/9/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới.”
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện; các vấn đề cấp bách, nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), để đưa vào Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể đến năm 2025.