Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vui chợ phiên, chào năm mới

Đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam những ngày cuối năm, du khách có dịp chiêm ngưỡng, trải nghiệm nhiều hoạt động tại “Phiên chợ vùng cao chào đón năm mới 2020”.    

Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bước vào không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa sản vật vùng miền. Đây cũng là dịp gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hóa dân tộc Mông, Tày Nùng, Thái, Cống…

vui cho phien chao nam moi
Không gian chợ vùng cao tại Làng Văn hóa

Trong phiên chợ, du khách có cơ hội thưởng thức không gian "Trà Thái Nguyên" hội tụ sắc màu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Các trà nương sẽ thực hiện công đoạn pha chế để du khách cùng cảm nhận vị thơm nồng đậm đà của trà. Màu của nước vàng sánh trong xanh, hương trà đậm vị hương hoa tự nhiên. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao của người làm trà truyền thống. Vị ngọt mát sau khi uống chính là tâm hồn của người dân nơi đây giàu tình, giàu nghĩa, thủy chung. Thế mới thấy, thưởng trà để cho mỗi người chúng ta được sẻ chia gắn bó, đoàn kết hơn... Qua đó, hiểu hơn giá trị cuộc sống và nét tinh tế của người dân vùng chè.

Đến với phiên chợ, du khách còn được trải nghiệm quy trình và thực hành nghề truyền thống cùng với đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Cống tỉnh Điện Biên.

Phụ nữ Cống không thạo nghề canh cửi nhưng họ lại rất giỏi kỹ thuật đan lát đồ mây tre đan. Sản phẩm nổi tiếng của đồng bào Cống như chiếu mây nhuộm màu, bung, bem, khạp... Những sản phẩm đan lát như quẩy tấu gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông và những nhạc cụ truyền thống như cây khèn được người đàn ông dân tộc Mông tỉ mẩn, khéo léo tạo nên.

vui cho phien chao nam moi

Biểu diễn khèn mông tại phiên chợ

Điểm nhấn không gian tại phiên chợ là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - tri thức dân gian về một nghề thủ công truyền thống đã gắn với đồng bào tự ngàn xưa. Du khách được tìm hiểu quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như kỹ thuật se lanh dệt vải, đặc biệt là kỹ thuật vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong…. Tri thức dân gian này chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Nhân dịp này, đồng bào dân tộc Cống cũng tổ chức tái hiện "Tết hoa" đặc sắc của dân tộc mình. Tết Hoa được tổ chức sau những công việc cuối cùng của mùa vụ. Đây là dịp cộng đồng dân tộc Cống hướng về cội nguồn tổ tiên, cùng tôn vinh bản sắc nét đẹp truyền thống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mình, đánh dấu một năm cũ khép lại mùa màng bội thu, chuẩn bị cho năm mới an lành nhiều may mắn.

Góp phần làm nên một phiên chợ vùng cao ấn tượng là những tiết mục dân ca, dân vũ, cùng các trò chơi dân gian tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của đồng bào các dân tộc, chào đón năm mới.

Mỗi dân tộc có những truyền thống văn hóa khác nhau, cách ứng xử với điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau... đã tạo nên tính đa dạng trong sản xuất và đa dạng nghề. Chính sự đa dạng ấy đã bảo lưu được nét văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em.

Tác giả: Phạm Tiệp
Tags: phiên chợ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết