Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Nông trại vui vẻ” của cô gái yêu nông nghiệp

“Nông trại vui vẻ” (quận Dương Kinh, Hải Phòng) không chỉ sản xuất nông nghiệp sạch mà còn là nơi cho mọi người có thể tham quan, trải nghiệm. Nông trại này được xây dựng nên từ tình yêu với nông nghiệp của chị Trần Thị Quỳnh Vân, một trong những gương mặt tiêu biểu vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Tốt nghiệp khoa Kế toán, trường Đại học Thương mại, cơ duyên đưa chị Vân về công tác tại thành phố Hải Phòng. Thời gian đầu, chị xin vào bán hàng tại các đơn vị cung cấp rau củ quả sạch. Từ nhân viên, chị Vân được cất nhắc lên làm quản lý bán hàng. Đây cũng là khoảng thời gian chị tích lũy cho bản thân kinh nghiệm, kiến thức.

Năm 2017, bằng vốn và kinh nghiệm chắt chiu được từ thực tế, chị Vân mạnh dạn mở cửa hàng cung cấp rau, củ quả cùng các sản phẩm nông nghiệp sạch. Với kết quả kinh doanh tốt, uy tín trong cung cấp sản phẩm sạch, năm 2019, chị tiếp tục mở cửa hàng thứ 2. Các cửa hàng của chị Vân cũng là kênh phân phối cho nhiều sản phẩm VietGap, OCOP của bà con trên địa bàn.

Chị Trần Thị Quỳnh Vân được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2023

Chị Trần Thị Quỳnh Vân được trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2023

Tuy nhiên, quá trình làm việc chị Vân luôn khao khát sở hữu một không gian vừa sản xuất thực phẩm sạch, vừa là nơi cho mọi người đến thư giãn, gần gũi thiên nhiên sau những giờ làm việc căng thẳng. Đặc biệt, đây sẽ là địa điểm cho các gia đình có thể quây quần bên nhau, trẻ em được tìm hiểu những sản phẩm nông nghiệp mà chúng chỉ được nhìn thấy và hình dung qua sách vở.

Suy nghĩ đó khiến chị Vân mạnh dạn đầu tư vốn thành lập “Hợp tác xã Nông trại vui vẻ” tại phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh, Hải Phòng). Tại đây, chị đồng hành với 15 xã viên, cải tạo trên 3ha ruộng thuê từ những người dân trong vùng để trồng các loại cây trái, rau xanh kết hợp làm du lịch sinh thái.

Chị Vân cho biết: “Thời gian đầu mình gặp khá nhiều khó khăn như việc tiếp cận hơn 100 hộ để thuyết phục và nêu nguyện vọng được thuê sản xuất sản phẩm hữu cơ không đơn giản. Bên cạnh đó, nhân công đang chuyển dần sang làm khu công nghiệp không còn nhiều hứng thú làm nông nghiệp. Quá trình sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, ảnh hưởng đến sản lượng…”

Vượt qua khó khăn, hiện “Nông trại vui vẻ” có diện tích khoảng 30.000 m2, hàng năm sản xuất từ 200.000 - 500.000 sản phẩm cung cấp cho các nhà hàng, đại lý ở địa phương. Nông trại cũng đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan mỗi năm.

Chị Trần Thị Quỳnh Vân

Chị Trần Thị Quỳnh Vân

Không sinh ra ở Hải Phòng nhưng quá trình làm việc chị Vân đã dành tình yêu cho đất và người nơi đây. Vì vậy, chị trăn trở, tìm tòi với mong muốn tạo ra một sản phẩm đặc trưng riêng của thành phố này.

“Hải Phòng từ lâu đã nổi tiếng là thành phố hoa phượng. Qua một người bạn là kỹ sư công nghệ thực phẩm, mình được biết ở hoa cũng có cấu trúc hóa học. Nhiều thành phần có thể lên men có lợi cho sức khỏe nên một số nước trên thế giới đã sản xuất được rượu từ việc chế ghép các nông sản với hoa. Vì thế, mình quyết định mạnh dạn thử nghiệm”.

Chị Vân chọn hoa lúc còn tươi, chưa đổi màu, đưa về xử lý ngay trong ngày. Tuy nhiên, không ít lần chị phải đổ đi làm lại. May mắn, chị Vân nhận được sự giúp đỡ của người bạn là kỹ sư công nghệ thực phẩm, sau một thời gian sản phẩm rượu vang mang tên “Phượng Cháy” đã ra đời.

Rượu có vị ngọt, hơi chát của cánh phượng, màu đỏ của hoa và mùi thơm đặc trưng của thảo dược, không chỉ bắt mắt mà còn đem đến cho người dùng cảm giác thanh mát, dịu nhẹ. Vang Phượng Cháy đã được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp giấy chứng nhận sản phẩm. Dự án này cũng đã đoạt giải 3 tại cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp” năm 2022 do thành phố Hải Phòng tổ chức.

Hiện, hợp tác xã đã sản xuất được trên 10.000 lít xuất bán ra thị trường và có 2 đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm sản xuất ra. Dự định của chị Vân trong thời gian tới mở rộng quy mô sản xuất, trồng thêm các loại như ổi, đu đủ và dưa lê; làm nhà sơ chế đóng gói theo tiêu chuẩn đủ an tòa vệ sinh thực phẩm cung cấp các combo suất ăn "từ nông trại đến bàn ăn" phục vụ người tiêu dùng. Chị Vân hi vọng hướng đi này sẽ tăng thu nhập đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết