Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

100% xã ở Đô Lương đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong nông thôn mới

Thời gian qua, huyện Đô Lương tập trung thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất - tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT -XH ở các địa phương.

Tiêu chí 13 - tổ chức sản xuất được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò đầu tàu thúc đẩy KT-XH ở các địa phương; tuy nhiên, thực tế cho thấy, thực hiện tiêu chí này là khó khăn đối với hầu hết các xã trên địa bàn huyện Đô Lương do trước nay hình thức tổ chức sản xuất của người dân chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, theo hình thức tổ chức truyền thống. 
Thời gian qua, huyện tập trung thực hiện tiêu chí này với nhiều giải pháp: quy hoạch lại vùng sản xuất, tìm giống cây trồng mới, hiệu quả; khuyến khích hình thành các mô hình tập trung; khuyến khích tích tụ ruộng đất, thành lập các tổ hợp tác, tiến tới thành lập thêm các HTX để liên doanh, liên kết thành chuỗi; từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm.

 

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Xuân Sơn (Đô Lương). Ảnh: Ngọc Phương

Hiện nay huyện đang đăng ký nhãn hiệu sản phẩm (thanh long ruột đỏ, chanh không hạt). Đồng thời, tổ chức cải tạo vườn tạp, từng bước xây dựng thành vườn mẫu, vườn chuẩn, góp phần xây dựng NTM nâng cao và từng bước xây dựng NTM kiểu mẫu; áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời thực hiện chỉ tiêu Nông thôn mới của huyện.

Điển hình như xã Trung Sơn, từ năm 2018 đến nay, toàn xã đã quy hoạch được 23 vườn mẫu trồng cây ăn quả, rau màu... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh ở xóm 1, nhờ cải tạo khu vườn trước đây chỉ trồng ngô và chuối với thu nhập thấp, mà đến nay gia đình đã có nguồn thu ổn định từ vườn mẫu. Bà Hạnh phấn khởi cho biết: “Nhờ chủ trương cải tạo vườn tạp của xã, gia đình đã được hỗ trợ quy hoạch vườn mẫu với hệ thống tưới tiêu hợp lý và được tập huấn kiến thức sản xuất. Nhờ đó, đến nay, gia đình tôi có được nguồn thu khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng từ 40 gốc ổi cho thu hoạch khoảng 5 yến/tháng, cùng 17 gốc táo và rau màu (mùa nào trồng rau đó), cho thu hoạch hơn 150 - 200 nghìn đồng/ngày, giúp cải thiện, nâng cao đời sống”. 

Trong những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể và nhân dân xã Trung Sơn đã tổ chức quy hoạch các vùng thâm canh cây màu có giá trị kinh tế cao, đạt trên 300 triệu đồng/ha cùng với phong trào xây dựng vườn đẹp, đã đem lại sự đổi thay rõ rệt bộ mặt nông thôn. Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người của người dân địa phương năm 2018 đạt 34,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ khá và giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%  trong năm 2019

Ông Đoàn Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Đô Lương)

Ngoài ra, xã Trung Sơn còn tập trung phát triển các mô hình sản xuất tập trung như vùng trồng bí xanh, sản xuất cây giống, mô hình nhà lưới trồng các loại rau theo mùa; nhờ đa dạng các hình thức sản xuất mà hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích ở địa phương tăng lên.

Mô hình thâm canh tập trung cây bí xanh, hiệu quả kinh tế cao ở xã Trung Sơn (Đô Lương). Ảnh: Đinh Nguyệt

Ở xã Thuận Sơn, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã đã chú trọng tiêu chí tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp; chỉ đạo thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đưa các giống mới có năng suất cao chất lượng tốt vào sản xuất.
Thuận Sơn đã chuyển đổi mở rộng diện tích lạc từ 40 ha năm 2012 tăng lên 60 ha trong năm 2019; mở rộng diện tích cánh đồng thu nhập cao từ 30 ha (năm 2013) đến năm 2019 là 70  ha. Trong đó, nổi bật có 35 ha ở vùng đồng cơ cấu lúa chất lượng cao vụ xuân kết hợp lúa hè thu và rau màu vụ đông, giá trị thu nhập đạt 125 triệu đồng/ ha.
Bên cạnh đó, Thuận Sơn có 10 ha ở vùng bãi làm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho giá trị 145 triệu/ha, mô hình sản xuất chuyên canh, thâm canh rau củ quả các loại  cho thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, xã có 3 mô hình vườn đồi, 65 hộ đăng ký xây dựng vườn chuẩn, 6 hộ thực hiện vườn chuẩn bước đầu đã có thu nhập. Xã cũng đã triển khai dự án trồng chuối xuất khẩu với diện tích 20 ha tại vùng bãi, bước đầu phát triển rất tốt; phát huy lợi thế của địa phương, nhân dân trong xã đang phát triển chăn nuôi đại gia súc, mở rộng và phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại, chăn nuôi gia cầm tại vườn, đồi. 

Nông dân xã Thuận Sơn (Đô Lương) trồng cây vụ đông cho thu nhập cao trên đất 2 vụ lúa. Ảnh: Ngọc Phương

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản xuất kinh doanh các ngành nghề, hoạt động dịch vụ trên địa bàn Thuận Sơn cũng đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, chủ yếu sản xuất các ngành nghề mộc gia dụng, cơ khí, gò hàn, sản xuất gạch không nung, làm bún bánh, may mặc, vật liệu xây dựng. Nổi bật có một số hộ làm nghề mộc gia dụng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng có doanh thu từ 3 - 5 tỷ đồng/năm, hộ làm bánh đa có doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm.

Nhờ đa dạng hóa các hình thức sản xuất,  đời sống vật chất, việc làm, thu nhập nhân dân phát triển ổn định; thu nhập bình quân đầu người năm tăng lên hàng năm, năm 2019 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,59 %, hộ cận nghèo còn 6,7%, hộ khá, giàu tăng lên

Ông Trần Đình Nghị - Chủ tịch UBND xã Thuận Sơn (Đô Lương) 

Trong quá trình thực hiện tiêu chí số 13 về xây dựng NTM ở huyện Đô Lương, nhiều xã đã đạt được kết quả rất tốt, nổi bật có xã Xuân Sơn, Trung Sơn, Lưu Sơn, Thuận Sơn, Giang Sơn Đông... Nhìn lại những kết quả đạt được thời gian qua có thể thấy, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng là nền tảng thực hiện nhiều tiêu chí khác trong phong trào xây dựng NTM ở Đô Lương. Đến nay, ở những xã đạt tiêu chí số 13, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông sản. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM. 

Xây dựng vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới ở Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa

Trao đổi về kết quả thực  hiện tiêu chí số 13 nói riêng và phong trào NTM trong năm qua trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tăng cường đôn đốc chỉ đạo trực tiếp; thành viên ban chỉ đạo, các phòng chuyên môn giành ưu tiên tập trung xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay, 24/32 xã đã về đích tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, đẩy nhanh các xã trong kế hoạch về đích NTM, các xã còn lại tập trung hoàn thành từng bước các tiêu chí. 

Xã Trung Sơn chú trọng thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân thông qua chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả như dưa đỏ, cà tím, bí xanh... Ảnh: Mai Hoa

Việc hoàn thành mục tiêu đề ra trong thực hiện phong trào nông thôn mới trong năm 2019, có vai trò chỉ đạo, tập trung thực hiện hiệu quả tiêu chí “khó”  là tiêu chí 13. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh tiêu chí 13, để hướng tới mục tiêu về đích NTM toàn huyện”./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật