An toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp: Cơ bản đảm bảo
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tại thời điểm này phần lớn các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn.
Mô hình rau má hữu cơ
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quảng Thọ 2 (Quảng Điền), ông Nguyễn Lương Trí chia sẻ, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết sự thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm trà rau má, bột rau má matcha. Trước khi thực hiện ý tưởng sản xuất trà rau má, HTX xây dựng mô hình cánh đồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.
Tiếp đến HTX đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến sản phẩm tiên tiến, khá hiện đại, khép kín từ khâu vệ sinh nguyên liệu đến chế biến, đóng gói bao bì, nhãn mác. Nhân viên, người lao động được tập huấn kỹ thuật chế biến, không chỉ tạo ra sản phẩm thơm ngon mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn. Sản phẩm trước khi xuất ra thị trường được kiểm tra, kiểm định kỹ về mức độ an toàn, tạo niềm tin và sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Thời gian qua, HTX thực hiện dự án mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến rau má với thương hiệu “Trà rau má Quảng Thọ”. Ngoài rau má tươi VietGAP, rau má sấy khô, bột rau má túi lọc, HTX còn xây dựng vùng nguyên liệu “rau má hữu cơ” phục vụ chế biến sản phẩm mới “Bột Matcha rau má hữu cơ”. Nguồn nguyên liệu chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và cho kết quả khả quan, sản phẩm được nâng cao giá trị và tiêu thụ quanh năm. Các sản phẩm của HTX có mặt trên khắp các tỉnh, thành từ Bắc Trung bộ đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
HTX Nông nghiệp Thủy Dương (TX. Hương Thủy) cũng là một trong những đơn vị luôn chú trọng, tổ chức SXKD các sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn. HTX đã xây dựng mô hình trồng mướp đắng theo chuỗi giá trị sản phẩm “từ sản xuất đến tiêu dùng”. Người dân được chuyển giao, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được Công ty Globacer cấp giấy chứng nhận sản xuất mướp đắng trên diện tích 1,3ha. HTX đầu tư, đưa vào dây chuyền sản xuất khép kín tạo ra những sản phẩm như trà túi lọc mướp đắng, mướp đắng sấy khô, mướp đắng hút chân không... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh.
Các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản trên địa bàn tỉnh hiện nay khá đa dạng, phong phú như rau, củ, quả, các loại mắm, nước mắm, thủy hải sản phơi khô, đông lạnh… Phần lớn sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp, cơ sở SXKD được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, phân loại theo định kỳ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tại thời điểm này các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh, chưa phát hiện có dấu hiệu sản phẩm bẩn, mất an toàn.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, ông Hồ Đăng Khoa cho rằng, sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm bẩn có thể gây hậu quả khôn lường đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Để xảy ra ngộ độc thực phẩm còn đe dọa đến tính mạng, chí ít cũng tốn nhiều chi phí chăm sóc sức khỏe. Thực phẩm an toàn không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nói riêng hiện đang được các cấp, ban ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó đáng chú ý đến các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, không để xảy ra tình trạng sản phẩm bị nhiễm vi sinh, chứa hóa chất cấm, hay bị nhiễm hóa chất quá giới hạn cho phép. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, HTX, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo ông Khoa, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, nhưng tùy vào điều kiện và tình hình thực tế, các hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, hoặc giãn cách. Mục tiêu của các ban ngành là phải đảm bảo công tác quản lý, giám sát các cơ sở SXKD thực phẩm nông nghiệp, tránh trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình kinh tế - xã hội đang cố gắng khôi phục sản xuất, các cơ sở vừa và lớn nỗ lực duy trì hoạt động, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu SXKD và nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngành nông nghiệp triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như truyền thông, quảng bá sản phẩm, SXKD thực phẩm, nông sản. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân tham gia SXKD các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hoàng Thế