Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bền vững cho nguồn lợi thủy sản

Gần đây, nạn khai thác thủy sản đầm phá mang tính hủy diệt lại tái diễn. Tính riêng năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh và các địa phương phát hiện và lập biên bản xử lý hàng chục vụ, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị vi phạm.

Làm "tổ" trú ngụ, sinh sôi cho thủy sản

Thả hơn 4 triệu con giống thủy sản xuống sông, đầm

Nguồn lợi thủy sản (NLTS) vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang cho thấy sự hồi sinh tích cực, khi cá, tôm ngày càng sinh sôi, dồi dào. Nhiều loài thủy sản có giá trị một thời gần như mất hút khỏi vùng đầm phá, giờ đây cũng đã xuất hiện trở lại ngày càng nhiều như tôm sú, cá nâu, chình, dìa, bống thệ, cua, tôm rảo… Kết quả này phải kể đến hoạt động tái tạo, gắn với bảo tồn, bảo vệ NLTS một cách nghiêm ngặt và hiệu quả hơn.

Chỉ tính riêng năm qua, toàn tỉnh thực hiện thả tái tạo NLTS với hơn 4 triệu con giống tôm, cua, cá các loại, tăng gần 2,7 lần so với năm trước. Trong đó, đối với vùng nước ngọt thả hơn 492 ngàn con cá giống lóc, diếc, rô, chép, trê, trắm và mè. Đối với vùng nước lợ đầm phá thả hơn 3,540 triệu con giống tôm sú, cua, cá dìa, cá hanh.

Các địa phương tiếp tục hỗ trợ công tác giám sát, tuần tra bảo vệ ngư trường, NLTS cho 22 chi hội nghề cá có quản lý trực tiếp các khu bảo vệ NLTS. Nhờ đó, NLTS đầm phá có sự phát triển ổn định, sản lượng khai thác thủy sản đầm phá được duy trì. Nghề khai thác sông, đầm chủ yếu là lừ, lưới tay và các nghề cố định như nghề đáy, nghề chuôm, rớ giàn, nò sáo… giúp nhiều hộ ngư dân vùng đầm phá có cuộc sống ổn định.

Điều đáng lo ngại hiện nay là nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt đang tái diễn, khó kiểm soát, nguy cơ đe dọa NLTS trên vùng đầm phá. Tính riêng tại huyện Quảng Điền trong năm qua đã phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm, Chi cục Thủy sản tỉnh phát hiện, xử lý 17 vụ… khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, phần lớn bằng xung điện.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, bà Trần Thị Thanh Nhã cho rằng, nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt từng khiến các chuyên gia ngành thủy sản không khỏi giật mình và đau đầu khi NLTS vùng đầm phá một thời gần như cạn kiệt. Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, đa dạng sinh học gần như không còn tồn tại. Giờ đây, khi mà NLTS đang hồi sinh thì nạn khai thác hủy diệt lại tái diễn khiến nhiều người lo lắng đến mối đe dọa NLTS vùng đầm phá.

Siết chặt hơn nữa

Có thể thấy, việc thành lập các khu bảo vệ NLTS, cấp quyền quản lý, bảo vệ, khai thác mặt nước cho các chi hội nghề cá, ngư dân là bước tiến mới trong hoạt động bảo tồn, bảo vệ NLTS. Tuy nhiên, một bộ phận ngư dân vẫn chưa ý thức cao, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, thậm chí lén lút khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Trong khi đó, theo các chi hội nghề cá thì lực lượng bảo vệ mỏng, phương tiện công suất nhỏ, thậm chí một số nơi chưa có phương tiện gây nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, ngăn chặn các vụ vi phạm.

Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Đông Phong (TP. Huế), ông La Tiềm khẳng định, chi hội luôn nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình triển khai các hoạt động tuần tra, bảo vệ ngư trường. Hạn chế lớn chính là phương tiện thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động truy bắt đối tượng vi phạm. Hầu hết các đối tượng đều dùng phương tiện công suất lớn, nên dù chi hội phát hiện, hay nhận tin báo kịp thời nhưng chủ yếu chỉ xua đuổi, không thể truy bắt để xử lý trước pháp luật. Chi phí xăng dầu tăng cao, trong khi chi hội còn nhiều khó khăn nên hoạt động tuần tra ngư trường có lúc không thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ NLTS.

Ông La Tiềm cho rằng, để hoạt động tái tạo, bảo vệ NLTS vùng đầm phá một cách hiệu quả cần có các giải pháp đồng bộ, căn cơ. Các cấp, ban ngành cần có sự đầu tư một cách thỏa đáng cho hoạt động bảo vệ NLTS của các chi hội cơ sở như phương tiện công suất lớn, dụng cụ, nhiên liệu phục vụ tuần tra, truy bắt đối tượng. Hoạt động tuần tra, giám sát ngư trường, các nghề khai thác của ngư dân phải thường xuyên, sâu sát hơn. Trong đó, phải sớm phát hiện và loại bỏ tuyệt đối các nghề khai thác hủy diệt như xung điện, lừ mắt lưới nhỏ, giã cào trái phép…

Đã đến lúc cần phải có quy định, giám sát một cách nghiêm ngặt, bài bản về hoạt động khai thác thủy sản theo mùa, theo nghề, tránh đánh bắt mùa tôm, cá sinh sản. Đồng thời kết hợp các biện pháp tạo bãi đáp, bãi đẻ, nơi trú ngụ, sinh sôi cho các loài thủy sản, thủy sinh. Đây được xem là một trong những giải pháp bảo tồn, bảo vệ NLTS vùng đầm phá một cách hiệu quả, bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, hoạt động tái tạo, bảo vệ NLTS đầm phá trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Sắp đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, ban ngành triển khai các biện pháp căn cơ, siết chặt hơn nữa các nghề khai thác thủy sản trên đầm phá, sớm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm khai thác thủy sản hủy diệt.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, TP. Huế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến với người dân về thủy sản, đặc biệt là hậu quả của việc thực hiện hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác NLTS; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp để huy động và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ NLTS; đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ NLTS thông qua hệ thống Hue-S…

Bài, ảnh: Hoàng Triều - Nhật Hoàng


Tags: bền vững
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật