Để nông sản Việt không còn lép vế với hàng Thái
Muốn chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng ở các thị trường trên thế giới và cạnh tranh được với hàng Thái Lan, hàng hóa Việt Nam phải chú trọng đến chất lượng và có chiến lược bài bản, dài hạn cho từng loại nông sản.
Trong một buổi chia sẻ gần đây, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria, cho biết Algeria là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, HTX Việt Nam, bởi nước này không tự sản xuất được nhiều nông sản vốn là lợi thế của Việt Nam như gạo, cà phê, gia vị, thủy sản, chè… Tuy nhiên, để tận dụng được thị trường Algeria, hàng Việt đang phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản của nhiều nước, trong đó có Thái Lan.
Cạnh tranh khốc liệt
“Nếu nói không ngoa thì hàng Thái Lan đang làm mưa làm gió tại Algeria và luôn nổi bật hơn so với hàng Việt ở các cửa hàng, kệ siêu thị”, ông Nhuận chia sẻ.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch (AFT), cho biết nhiều nông sản dù là thế mạnh của Việt Nam như mít, vải, thanh long, rau củ… nhưng cũng ít xuất hiện ở các siêu thị của Thuỵ Sĩ cũng như các nước châu Phi. Và thay vì nhập khẩu những sản phẩm này từ Việt Nam, các nước lại nhập khẩu từ Thái Lan.
Hay tại thị trường EU, nông sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của thị trường này và chỉ có mặt ở các các tiệm tạp hóa bán cho người gốc Á, chứ chưa vào được các hệ thống siêu thị uy tín như hàng Thái Lan, Trung Quốc.
Ngay như quả sầu riêng, vốn là thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thời gian gần đây, loại trái cây này cũng có những cản trở nhất định bởi Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu sầu riêng của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan.
Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, dài hạn cho từng loại nông sản thì mới có thể cạnh tranh được với nông sản của Thái Lan và thâm nhập vào nhiều thị trường khác trên thế giới. |
Có thể thấy, nông sản Việt đang có phần lép vế so với hàng Thái Lan tại nhiều thị trường. Và nguyên nhân dễ thấy nhất chính là chất lượng nông sản của Thái Lan được đánh giá cao hơn, giá rẻ hơn.
Chẳng hạn như quả sầu riêng của Thái Lan vẫn được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cũng giảm dần qua các năm để cạnh tranh với hàng Việt.
Hay đối với sản phẩm gạo, ông Hoàng Đức Nhuận cho biết, dù gạo Việt được xuất khẩu mạnh mẽ sang Algeria và chiếm trên 50% lượng gạo nhập khẩu của nước này, song các nước khác, trong đó có Thái Lan cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá rẻ sang thị trường Algeria. Điểm mạnh của Thái Lan chính là xuất thẳng sang Algeria với đa dạng các loại gạo, còn Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu qua trung gian nên đội giá thành và tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, Thái Lan cũng có thế mạnh về chế biến, như trái cây sấy khô, đóng hộp với bao bì được đầu tư, màu sắc bắt mắt. Sản phẩm của nước này còn rất phong phú hơn như: khoai, mít sấy dẻo tẩm socola, chuối ép khô phủ socola… Trong khi nông sản Việt hiện chủ yếu là xuất thô, các doanh nghiệp, HTX lại thiếu sự am hiểu nhu cầu thị trường nên mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu khách hàng như các doanh nghiệp Thái Lan.
Các doanh nghiệp, HTX Việt Nam cũng chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới nên chưa có chiến lược phát triển cụ thể cho từng loại sản phẩm, từng loại nông sản.
Chẳng hạn người tiêu dùng ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hiện ưa chuộng thanh long, dưa hấu nhỏ vừa một người ăn. Hay người châu Phi ưa dùng cà phê chế biến có bổ sung thêm một số loại gia vị như tiêu đen, gừng, hạt mè… Tuy nhiên, Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu cà phê thô và một số loại trái cây có size lớn và chưa có thương hiệu nên khó thuyết phục được nhiều nhà nhập khẩu.
Còn về phía Thái Lan, họ làm thị trường rất chuyên nghiệp, có cả chiến dịch bài bản để quảng bá từng loại sản phẩm ở các thị trường mà họ muốn nhắm đến. Bà Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng, muốn xuất khẩu sản phẩm nào đến thị trường cụ thể, Thái Lan sẽ tìm hiểu rõ sở thích người tiêu dùng từng nước để có một số điều chỉnh về gia vị, bao bì.
Đến hẹn lại lên, người Thái tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, cho người tiêu dùng dùng thử các sản phẩm. Việc này có lợi thế rất lớn là giúp sản phẩm có thể nhanh chóng đến tận tay người tiêu dùng bản địa, dễ thay đổi khẩu vị. Còn hàng Việt chủ yếu chỉ dừng ở việc đưa vào các cửa hàng, trong khi khâu chăm sóc, tiếp thị đến khách hàng không có nên chủ yếu bán cho người Việt ở nước ngoài.
Cần sự đầu tư thích đáng
Có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, người Thái đã khiến khách hàng ở các nước trên thế giới tin rằng thương hiệu nông sản Thái Lan đi liền với tiêu chuẩn chất lượng, có giá cả phù hợp hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sản phẩm của Thái Lan có những ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm là không quá xuất sắc về mùi vị. Có những sản phẩm thực chất là dùng phẩm, chất bảo quản để giữ màu sắc. Nhiều sản phẩm của Thái Lan chế biến thực chất là nhập nguyên liệu từ chính Việt Nam nên giảm được chi phí, tăng giá trị.
Để hàng hóa Việt Nam có mặt nhiều hơn ở các thị trường thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, HTX cần phải chủ động tìm hiểu nhu cầu mặt hàng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến từng mặt hàng sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp thực tế. Cụ thể là doanh nghiệp, HTX cần nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào từng hệ thống phân phối của nước sở tại, đẩy mạnh kết nối với các đối tác trực tiếp là các siêu thị để đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn.
Có ý kiến cho rằng, để hạ giá thành, giảm bớt chi phí, các doanh nghiệp có thể dồn hàng, thuê cùng container xuất khẩu nhằm bảo đảm lượng hàng lớn theo yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc dồn hàng chỉ phù hợp với những sản phẩm cùng chủng loại. Và nếu cùng một loại hàng nhưng do nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất thì khó đáp ứng được sự đồng đều về chất lượng, mẫu mã.
Nhằm giải quyết khó khăn trên, các doanh nghiệp, HTX chỉ còn cách có liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, đầu tư sản xuất chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó thu hút và đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước và cạnh tranh được với hàng hóa của Thái Lan.
Tuy nhiên, để làm được điều này, Việt Nam rất cần học hỏi Thái Lan. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, dẫn chứng Thái Lan đã có nhiều chính sách cụ thể để HTX, doanh nghiệp chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi như đầu tư các trung tâm công nghệ cao với máy móc hiện đại phục vụ miễn phí ở từng địa phương hay áp dụng các chính sách miễn giảm thuế thu nhập, thuế kinh doanh, thuế lợi tức cho các cơ sở chế biến mới thành lập.
Đặc biệt, các thủ tục cho việc xuất khẩu nông sản có thể được thực hiện ngay tại chỗ. Nghĩa là nhà xuất khẩu có thể hoàn tất thủ tục hải quan, nhận giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh, kể cả những dịch vụ chiếu xạ, kho vận, đóng gói, thông tin tư vấn về thị trường, luật lệ... ngay tại Trung tâm Dịch vụ xuất khẩu nông sản một cửa của Thái Lan. Trong khi các doanh nghiệp, HTX Việt vẫn gặp khó trong khâu này.
Theo bà Minh, việc cạnh tranh được với hàng Thái, thâm nhập được vào thị trường các nước nhiều hay không còn phụ thuộc vào sự quan tâm của các phía cơ quan chức năng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xác định rõ vai trò của ngành nông nghiệp để có những đầu tư thích đáng hơn nữa.
Huyền Trang