Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ nghẽn cho dòng vốn chảy vào chuỗi cung ứng nông sản

Dù rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã là không có tiềm lực về vốn. Việc các định chế tài chính nhắm đến tài trợ chuỗi cung ứng nông sản được kỳ vọng sẽ gỡ nghẽn cho vấn đề này.

Ở "thủ phủ thanh long" Bình Thuận hiện có khoảng 200 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu thanh long, tuy nhiên sức chứa kho lạnh chỉ khoảng 16.000 tấn. Khi đầu ra của thanh long gặp khó, việc đầu tư mở rộng hệ thống kho lạnh lại được đặt ra.

"Khát vốn" đầu tư kho lạnh 

Tính sơ bộ, hiện tỉnh này cần khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng, phát triển kho lạnh nhằm trữ thanh long khi giá thấp, ùn ứ. Thế nhưng, việc đầu tư kho lạnh cho trái thanh long vẫn chủ yếu là ở những doanh nghiệp (DN) có tiềm lực về vốn, còn với đa phần DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã (HTX) vẫn là thách thức lớn. Nhất là với số vốn đầu tư lớn nên không có DN, HTX nào kham nổi, trong khi kho lạnh nhỏ lẻ thì quy mô dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu.

HINH-3741-1652356611.jpg

Việc đầu tư kho lạnh phục vụ bảo quản, chế biến cho trái thanh long vẫn chủ yếu là ở những DN có tiềm lực về vốn, còn với đa phần DN nhỏ và vừa, các HTX vẫn là thách thức lớn.

Hay như ở Đồng Nai, gần đây có một số DN đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, các HTX cũng như DN nhỏ rất khó để thực hiện được khi chi phí cao, không thu xếp được nguồn vốn.

Ông Hùng, giám đốc một HTX nông nghiệp ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), cho biết mỗi ngày HTX xuất đi hơn 20 tấn chuối, tuy nhiên công suất kho lạnh để bảo quản chỉ được 5 tấn. 

Theo ông Hùng, để thu xếp vốn, đầu tư vào hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến, kho bảo quản nông sản trong giai đoạn hiện nay vẫn là bài toán khó, dù HTX đã làm việc với phía ngân hàng.

Có thể nói, các DN, HTX trong chuỗi cung ứng nông sản rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không có tiềm lực về vốn. Nếu như họ có kho lạnh để bảo quản nông sản thì việc “giải cứu” nông sản trong những thời điểm bất trắc sẽ tránh được phần nào. 

Giới chuyên gia cho rằng, ở các vùng chuyên canh sản xuất nông sản, trồng cây ăn trái rất cần đầu tư kho bảo quản, kho lạnh cỡ nhỏ cho HTX, DN nhỏ và vừa quản lý. Một khi khơi thông dòng vốn chảy vào chuỗi cung ứng nông sản thì rất cần rót vốn vào khâu này.

Tuy nhiên, hiện nay, khi các HTX, DN nhỏ và vừa trong mảng nông nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, thì việc tiếp cận vốn để đầu tư kho lạnh, kho bảo quản nông sản lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, dù quy mô lớn hay nhỏ nhưng kho lạnh, kho bảo quản cũng thuộc hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp nên cần phải có.

Kỳ vọng từ tài trợ chuỗi cung ứng

Trên thực tế, ở nhiều địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn vay, nhưng các HTX, DN vừa và nhỏ khó tiếp cận bởi phải có dự án khả thi. Vì vậy, theo giới chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các DN, HTX trong việc đầu tư kho bảo quản nông sản, trong đó có kho lạnh. Điều này cũng nhằm giúp cho việc tiêu thụ nông sản được ổn định hơn và nâng cao được giá trị khi xuất khẩu.

Không chỉ là vấn đề "khát vốn" đầu tư kho lạnh, trong chuỗi cung ứng nông sản, việc thiếu vốn lưu động đang là trở ngại chính đối với nhiều DN nhỏ và vừa, cũng như với các HTX. Do đó, các giải pháp tài chính sáng tạo như tài trợ chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ gỡ nghẽn, giúp tạo ra dòng tiền chảy vào lĩnh vực này. 

Đơn cử như ngày 12/5, IFC - thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết đã ký kết hợp tác với một ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ tiếp cận các giải pháp tài chính sáng tạo, tạo điều kiện để họ tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. 

Hoạt động hợp tác này dự kiến sẽ hỗ trợ phía ngân hàng xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng trị giá 1 tỷ USD vào năm 2025.  Trong đó, mảng kinh doanh nông nghiệp là một trong những danh mục chính yếu cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng.

Cụ thể, IFC sẽ hỗ trợ ngân hàng thiết kế chiến lược tài trợ chuỗi cung ứng cho lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng. Đặc biệt là tài trợ nhà cung cấp và nhà phân phối, thu hút các công ty đầu ngành cùng với các nhà cung cấp và nhà phân phối của các công ty này.

Ông Phạm Quốc Thanh, tổng giám đốc của ngân hàng vừa ký kết hợp tác với IFC, cho biết việc tài trợ chuỗi cung ứng giúp liên kết người mua, nhà cung cấp, và các định chế tài chính sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các chu kỳ thương mại. 

“Hỗ trợ kịp thời của IFC sẽ cho phép các DN trong nước tận dụng các cơ hội thương mại tại các thị trường mới nổi và cải thiện liên kết của DN với các chuỗi cung ứng chính thức”, ông Thanh nói.

Cũng theo vị tổng giám đốc này, chuỗi nông nghiệp là một ngành mục tiêu quan trọng của phía ngân hàng trong việc tài trợ chuỗi cung ứng, đặc biệt là nông nghiệp xanh và công nghệ cao.

Trong khi đó, bà Stephanie von Friedeburg, Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao của IFC nhấn mạnh, các nhà sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế và có vai trò thiết yếu đối với mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực của Việt Nam. Cho nên, việc hỗ trợ đối với các định chế tài chính trong nước sẽ góp phần thúc đẩy liên kết của họ với chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra các cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm.

Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật