Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội bứt phá xây dựng nông thôn mới

Xác định kinh tế nông thôn là một trong những giá trị cốt lõi để đẩy nhanh và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, thời gian qua thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ để thay đổi và nâng cao phương thức sản xuất.

Ứng dụng khoa học, công nghệ được cho là đang giúp các mô hình sản xuất của nông dân, HTX trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

Chủ trương đúng

Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với mục tiêu cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, HTX đã ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà màng, sản xuất theo “5 không”: không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không cây trồng chuyển gen. Chính vì vậy mà người tiêu dùng đã được sử dụng sản phẩm rau mầm bảo đảm chất lượng, an toàn nhất.

Hay tại HTX Bưởi sạch và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Phú Cường (Sóc Sơn), nhờ sử dụng các loại phân sinh học, hữu cơ để ngăn chặn dịch bệnh, thực hiện bao quả giúp bưởi đậu sai quả… nên 28 ha bưởi của HTX đã hạn chế được sâu bệnh, mẫu mã quả đều và đẹp, tỷ lệ quả loại 1 cao. Năng suất bưởi đạt từ 21 – 25 tấn quả/ha, giá bán 20.000 – 25.000 đồng/quả loại 1, từ 10.000 – 12.000 đồng quả loại 2. Điều này giúp thành viên có niềm tin vào HTX, thay đổi lối sản xuất và đặc biệt là giúp hiệu quả kinh tế cao hơn từ 16 – 40% so với ngoài mô hình.

Có được điều này, thành phố đã ban hành và thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

-2270-1689569251.jpg

Kinh tế nông thôn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của thành phố Hà Nội.

Từ đây, ngành nông nghiệp thành phố đã không ngừng hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Để nâng cao hiệu quả, thành phố cũng thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình.

Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng. Thành phố cũng tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.

Trúng thực tế

Ông Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) cho biết, sản xuất bưởi diễn không hề đơn giản nhưng nhờ đầu tư nâng cao chất lượng, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 3/20ha bưởi Diễn vào năm 2020. Năm 2021, sản phẩm bưởi Diễn Hoà Xá đã được thành phố Hà Nội công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Theo thống kê, thành phố Hà Nội đang có 1.165 HTX hoạt động và cũng là địa phương có số lượng HTX lớn nhất cả nước hiện nay. Việc hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ đã giúp thành phố xây dựng và phát triển được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Riêng trong năm 2022, thành phố đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch đề ra (đạt 400 sản phẩm).

Ngoài ra, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp các làng nghề truyền thống của thành phố không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thành phố có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha. Hiện, các cơ sở này được ngành chức năng thành phố đánh giá là sản xuất ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển.

Sự phát triển này đã giúp Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức, đang trong quá trình thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố.

Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hiện nay, toàn thành phố có 4 huyện: Thanh Trì, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.

Xứng tiềm năng

Việc 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới giúp nông nghiệp, nông thôn mới của Thủ đô thời gian qua chuyển sang giai đoạn mới cả về lượng và chất. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế nông thôn của thành phố vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Thống kê, toàn thành phố có 1.165 HTX đang hoạt động nhưng đến thời điểm này mới có khoảng 50 HTX là cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, con số 30 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm dẫn dắt nông dân, thành viên HTX sản xuất trên địa bàn thành phố cũng được coi là rất khiêm tốn.

Bà Bùi Thị Bích Hường, Giám đốc HTX Đan Hoài (Đan Phương), cho biết muốn ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến thì nguồn vốn là điều quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, khó khăn về nguồn vốn đã khiến công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng trong một số công đoạn trong chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Còn theo các chuyên gia, mối liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đô thị tại Hà Nội nhìn chung còn rất hạn chế. Người dân, HTX, doanh nghiệp và các viện, trường, nhà khoa học vẫn rất ít phối hợp với nhau nên hiệu quả ứng dụng công nghệ còn chưa cao. Điều này phần nào ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.

Để tháo gỡ vấn đề này, Hà Nội đang đẩy mạnh đặt hàng các nhà khoa học, các viện, học viện… hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp.

Trong đó, về chăn nuôi, thành phố tập trung vào phát triển con giống để cung cấp cho cả nước. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết theo hướng “Hà Nội cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô”.

Đối với trồng trọt, thành phố tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa cho người dân Thủ đô. Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng với tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mùa vụ bền vững.

Tuy nhiên để làm được điều này, không chỉ thành phố mà các địa phương cũng cần tập trung, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả trong sản xuất, từ đó bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích đúng kế hoạch.

Bởi để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn từ đó hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, các địa phương phải hỗ trợ người dân, HTX thực hiện tốt sản xuất vụ mùa, áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Có như vậy mới nâng cao được thu nhập của người dân nông thôn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng...

Tùng Lâm


Tác giả: Chủ trương đúng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết