Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX 'hái quả ngọt' từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị canh tác là vấn đề quan trọng để tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện các HTX ở Hà Nội đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi, rau màu... có hiệu quả cao. Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, thu hút HTX đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Chuyển đổi sang trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

-9156-1662433931.jpg

Hiện các HTX ở Hà Nội đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi các vùng sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

“Có thể thấy, qua thực tế, chủ trương chuyển đổi cây trồng đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh. Các HTX đã tích cực tham gia vận động thành viên triển khai xây dựng các mô hình sản xuất chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”, ông Tạ Văn Tường chia sẻ.

Nhận thấy sự lãng phí đất nông nghiệp, cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX rau quả Hồng Thái, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã nghiên cứu, trồng thử măng tây xanh trên diện tích 8.000 m2 trồng măng tây xanh và một nhà vườn 3.200 m2 trồng măng tây trắng.

Ông Lê Đức Trịnh, Giám đốc HTX cho biết, ban đầu, diện tích đất dồn đổi được gần 6ha, HTX đã đầu tư nhà lưới, phủ nilon đã được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa thông minh, được điều khiển bằng điện thoại di động với chi phí khoảng 3 tỷ đồng, bao gồm tiền mua giống, cải tạo đất, phân bón, hệ thống phun nước tự động, nhân công…

Nhờ nghiên cứu, nắm chắc kỹ thuật, hiểu được đặc tính của cây măng tây, những luống măng của HTX đã sinh trưởng và phát triển tốt, sau thời gian gieo trồng đã được thu hoạch, sản phẩm măng tây của HTX được người dùng ưa chuộng, “cung không đủ cầu”, giá măng tây từ trước đến nay dao động ở mức ổn định khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg.

“Tôi bắt đầu tiếp nhận mô hình măng tây và tìm hướng phát triển cho loài cây này trên đất Hồng Thái. Cách đây hơn ba năm, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cây giống mới từ Hà Lan và mời chuyên gia về tận cơ sở hướng dẫn cho 17 người lao động chính của HTX và đông đảo người dân thuộc xã Hồng Thái. Trong số 30.000 cây giống có tỷ lệ sống đến 80% và 9 tháng sau cây bắt đầu cho thu hoạch”, ông Trịnh nói.

Bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên của HTX rau quả Hồng Thái cho biết, trước khi trở thành thành viên của HTX, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sống dựa vào "cây sắn, cây ngô", khi không được mùa là không đủ tiền để trang trải cuộc sống.

“Công việc của người nông dân như tôi ở đây cũng giống như trước kia, cũng là làm cỏ, chăm bón vườn rau, đồng ruộng… Nhưng hiện giờ tôi có thu nhập đều đặn hàng tháng, cuộc sống được cải thiện hơn trước nhiều” - bà Tâm bộc bạch.

Đời sống được nâng cao, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp

Còn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau màu cũng đưa lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Vốn là một xã nghèo, trước đây, phần lớn diện tích đất xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, đều là đất bỏ hoang, người dân xã Tráng Việt sống chủ yếu nhờ nghề nuôi tằm, trồng chuối và trồng mía. Tuy nhiên, thu nhập từ những nghề này không cao nên khi nhắc đến chuyện đồng áng, người dân xã Tráng Việt cũng không mấy mặn mà.

-8025-1662433932.jpg

Nhiều HTX đã và đang đẩy mạnh mô hình trồng rau hữu cơ nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Cách đây gần 15 năm, huyện Mê Linh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ trương này đã có tác động lớn đến sự thay đổi của vùng đất này. Nhận thấy những cây trồng truyền thống như chuối, mía đã không còn phù hợp, thu nhập bấp bênh, một số gia đình xã Tráng Việt đã tiên phong trong việc vay vốn để cải tạo đất, phát triển rau sạch.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh chia sẻ, những năm qua, HTX đẩy mạnh mô hình trồng rau sạch, phát triển kinh tế chủ lực, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. HTX đang tập trung phát triển các loại rau chính như: Củ cải, mướp đắng, dưa chuột, cải xanh, dọc mùng, cà chua, cà pháo và nhiều loại rau gia vị khác,…Nhờ sản xuất rau sạch mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống.

Điển hình như thành viên HTX Nguyễn Văn Sinh (ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt), từ khi chuyển trồng dâu, nuôi tằm sang rau sạch gia đình ông đỡ vất vả hơn hẳn. Trên diện tích 1ha, mỗi ngày khu vườn của ông Sinh cung cấp ra thị trường từ 35 - 40 kg rau các loại, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Với nguồn thu này, gia đình ông Sinh đã xây được nhà mới khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

“Tính tới thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rau màu đã đưa lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Do hợp đất nên rau màu tươi tốt, phát triển rất nhanh và ít gặp sâu bệnh hại. Với diện tích trồng rau lớn, mỗi năm, gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện ủy Mê Linh đánh giá, không thể phủ nhận những thành công từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đây là tiền đề để các HTX tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, giúp thành viên cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

“Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Bí thư huyện ủy Mê Linh nhấn mạnh.

Đoàn Huyền


Tác giả: Chuyển đổi sang trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết