HTX khát thông tin về xuất khẩu
Dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản còn rất lớn, nhưng nhiều HTX cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, thị trường xuất khẩu.
Đã có những chuyến hàng xuất khẩu chanh leo sang Thụy Điển, Pháp…, tuy nhiên, người đứng đầu HTX nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (Đầm Hà, Quảng Ninh), ông Đặng Văn Giang, cho biết việc tìm hiểu tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước đối với các thành viên HTX "quá khó và khổ", nhất là khi muốn tiếp cận với những thông tin chính thống.
HTX muốn tiếp cận thông tin thị trường
Chính vì vậy, các thành viên HTX Trường Giang đều mong Nhà nước, ngành nông nghiệp có riêng một trang web chính thống cập nhật các yêu cầu, quy trình xuất khẩu đi các nước, các vùng, khu vực để định hướng cho HTX, chủ trang trại, nhà máy làm theo tiêu chuẩn.
Ông Thân Dy Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành chia sẻ, trong nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ các đơn vị, HTX sản xuất, ông cũng nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề hướng dẫn về quy định của các nước nhập khẩu, hay đưa ra những gợi ý về danh sách các nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu để các HTX biết họ đang vướng mắc gì và ai là đơn vị tiềm năng để HTX tiếp cận, kết nối để đưa nông sản ra nước ngoài.
Việc tiếp cận các quy định, thông tin thị trường thuận lợi sẽ mở rộng khả năng xuất khẩu cho các đơn vị sản xuất. |
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, giúp đa dạng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thị trường, tiếp cận và xác minh khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài đối với HTX là không hề dễ dàng. HTX tìm kiếm những thông tin cần thiết trên mạng nhưng nhiều khi những thông tin này cũng không mang lại hiệu quả vì không được xác minh hoặc thậm chí không hiển thị kết quả.
Theo ông Đặng Văn Giang, việc liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu chanh leo của HTX nông nghiệp tổng hợp Trường Giang hiện nay phải thông qua hỗ trợ của chính quyền địa phương, đơn vị tổ chức dự án nên mới tạo được sự yên tâm cho thành viên. Thế nhưng, không phải HTX nào cũng được như vậy mà phải tự tìm kiếm thông tin, đối tác để mở rộng thị trường. Do vậy, HTX rất cần những thông tin hỗ trợ một cách chính xác, đã được xác thực bởi cơ quan quản lý.
Mặt hàng nông sản hiện nay vẫn được các chuyên gia đánh giá là gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Một số mặt hàng nông sản như sầu riêng, thanh long, tổ yến… hiện đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng các cơ quan quản lý đã phải mất rất nhiều năm để đàm phán, ký kết thỏa thuận, nghị định thư dựa trên biện pháp phân tích nguy cơ dịch hại, đảm bảo cân đối thị trường…
Tận dụng lợi thế xuất khẩu
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc đa dạng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ mới cũng là cách giúp các HTX giải bài toán dội chợ, tận dụng được tiềm năng của ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để giải bài toán được mùa mất giá, việc cần làm là nâng cao năng lực sản xuất, năng lực tiếp cận thị trường cho các đơn vị sản xuất để xuất khẩu hiệu quả. Đi liền với đó là cần tận dụng và phát huy lợi thế từ các FTA để giữ thị trường cũ, phát triển thị trường mới.
Nắm bắt được điều này, nhiều HTX đã chủ động tìm hiểu về các quy định của các nước mà HTX hướng đến xuất khẩu, chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết. Đại diện nhiều HTX cũng cho rằng trong thời buổi hiện nay, việc tìm kiếm khách hàng để mở rộng thị trường là không thể thiếu nhưng điều quan trọng là HTX vẫn cần sự bảo trợ, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để kết nối hiệu quả, bền vững với các doanh nghiệp trong nước cũng như với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng hệ thống phân phối, logistics, thương hiệu đã hoàn chỉnh của họ để tăng khả năng cạnh tranh, hạn chế những khó khăn trong xuất khẩu mà HTX đang gặp phải.
Nhằm trợ lực cho các HTX, doanh nghiệp, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết hiện ngành nông nghiệp đã có trang “sansangxuatkhau” với các thông tin về quy định, yêu cầu cũng như một số hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam cũng cập nhật định kỳ các quy định, dự thảo, thông báo thay đổi về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của các thị trường. HTX có thể nắm bắt để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên hệ chặt chẽ và tăng cường trao đổi thông tin với các hiệp hội ngành hàng để chủ động tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu cũng như tìm kiếm, kết nối với các đối tác.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu hiệu quả, việc tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác là điều chắc chắn không được bỏ qua. Do đó, HTX có thể lên mạng đọc những đánh giá của khách hàng về doanh nghiệp mà mình định liên kết. Điều này dù không phải hiệu quả nhất, đúng nhất hoặc không phải là những đánh giá là tốt nhưng sẽ giúp HTX nắm được xu hướng tiêu dùng của thị trường. Hay dù những thông tin về doanh nghiệp mà HTX muốn liên kết không hiển thị cũng sẽ cho cái nhìn cụ thể, có sự cẩn trọng trong hợp tác.
Song song đó, HTX cố gắng tìm kiếm các thỏa thuận tốt với các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu thông qua sự hỗ trợ của các ban ngành sở tại ngay từ những lần làm việc đầu tiên. Việc hỏi về vấn đề các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu có thể hỗ trợ HTX quảng bá và xuất khẩu như thế nào sẽ là điều cần thiết để HTX có thể có những bước đi dài hơi.
Ông Thân Dy Ngữ cho biết, HTX có thể liên kết với doanh nghiệp phân phối với quy mô nhỏ và vừa ở nước ngoài để xuất khẩu nhưng cần hiểu rằng khi liên kết với các nhà bán lẻ, nhà phân phối này sẽ kìm hãm sự quảng bá sản phẩm của HTX ở nước ngoài hơn việc HTX trực tiếp xuất khẩu.
Huyền Trang