Hướng mới cho cây thuốc lào trên đất Nghệ An
Cây thuốc lào hay còn gọi là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), là cây trồng gắn bó bao đời nay của người dân các địa phương Quỳnh Dị (TX.Hoàng Mai), Diễn Hạnh (Diễn Châu). Gần đây, khi xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần trở nên phổ biến rộng rãi thì thuốc lào được sử dụng nhiều trong việc chế biến các loại thuốc trừ sâu sinh học; tro của lá thuốc lào chứa nhiều can-xi, kali là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng...
Cây thuốc lào hay còn gọi là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu chính của người dân các địa phương Quỳnh Dị (TX.Hoàng Mai), Diễn Hạnh (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc
Cây thuốc lào bắt đầu xuống giống vào độ tháng 10 năm nay và thu hái vào tháng Tư, tháng Năm năm sau. Thuốc lào sau khi thu hái về được làm sạch, tuốt cồi cứng để vè thành những vè thuốc dài 2-3m, bán kính 40 cm, đem ủ 3-4 ngày cho lá thuốc “chín”, sau đó thái sợi. Ảnh: Thanh Phúc
Trước đây, người dân phải thái thuốc bằng tay, vất vả, tốn công sức. Nay có máy nên cắt nhanh hơn, sợi nhỏ và đều hơn. Ảnh: Thanh Phúc
Thuốc thái xong, dùng đũa chuyên dụng đánh tơi ra nong, phơi dưới nắng to 5-6 nắng, quá trình phơi thường xuyên trở thuốc để khô đều. Ảnh: Thanh Phúc
Bí quyết truyền đời của người dân nơi đây là để thuốc thơm, ngọt, không quá hắc, nồng thì sau phơi nắng là dãi sương 3-4 đêm. Đặc biệt, người dân nơi đây còn dùng dung dịch cháo nếp nấu loãng, chắt lấy nước pha với cà phê, bỏ vào dụng cụ chuyên dụng phun đều lên thuốc trong quá trình phơi để các sợi thuốc kết dính với nhau, tăng thêm độ ngọt, thơm. Ảnh: Thanh Phúc
Giá thuốc lào hiện nay xuống thấp, chỉ còn 1.500 đồng/bánh, trong khi chi phí đầu tư cho 1 sào thuốc lào từ tiền làm đất, tiền phân bón, thuê nhân công thu hái, thuê máy thái sợi tăng thêm 1-1,5 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế giảm sút nên dần dà, trên các cánh đồng thuốc lào, bà con đã chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác. Ảnh: Thanh Phúc
Theo nhiều nghiên cứu, tất cả bộ phận của cây thuốc lào chứa thành phần nicotin nên được sử dụng để sản xuất thuốc diệt côn trùng, các loại thuốc bảo vệ thực vật và một số thuốc chữa bệnh ngoài da. Đặc biệt, khi xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần trở nên phổ biến rộng rãi thì thuốc lào được sử dụng nhiều trong việc chế biến các loại thuốc trừ sâu sinh học; tro của lá thuốc lào chứa nhiều can-xi, kali là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Hy vọng rằng, những công dụng của cây thuốc lào sẽ được ứng dụng rộng rãi, giá thuốc lào thương phẩm tăng trở lại, cây trồng này sẽ lại phục hồi trên đồng đất Quỳnh Dị, Diễn Hạnh, đem lại nguồn thu nhập cho nông dân các địa phương này… Ảnh: Thanh Phúc