Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm trở lại đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao được nhiều địa phương tích cực thực hiện. Một số HTX còn nhanh nhạy nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, các địa phương đã xây dựng được những mô hình HTX hiệu quả, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, giúp giảm nghèo bền vững

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần trên cùng một diện tích canh tác.

-2500-1664334822.jpg

Thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả cao.

“Ngoài ra, ngành nông nghiệp đồng hành cùng các địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, thu hút thành lập mô hình HTX đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản, nâng cao đời sống cho người nông dân”, ông Tiến chia sẻ.

Yên Mô là huyện thuộc tỉnh Ninh Bình có nền nông nghiệp phát triển khá đa dạng với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nông dân nơi đây luôn tìm tòi, nghiên cứu để trồng các loại cây mới, phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường. Trong đó, nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Tại HTX nông nghiệp Bắc Yên, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, những năm gần đây, nhờ vào sự mạnh dạn chuyển đổi mà HTX đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tuy khởi đầu đầy khó khăn, song HTX với 750 thành viên, diện tích đất gieo trồng là 191,8 ha, trong đó HTX đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha thành mô hình trồng chuối, 10ha thực hiện chuyển đổi luân canh 4 vụ/năm.

Ông Nguyễn Văn Thất – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Bắc Yên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn HTX có các sản phẩm như ngô ngọt, khoai tây, lạc, đậu tương, ngô ngọt ... Trong thời gian tới, HTX NN Bắc Yên sẽ tập trung hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả, tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng với chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho thành viên trên cùng 1 diện tích đất canh tác.

Gia đình chị Tống Thị Lái, thành viên HTX là một hộ nghèo của xã chia sẻ, nếu như trước đây, mỗi sào đất màu, mỗi năm chỉ thu được 5,5 triệu đồng/sào, sau khi trừ các chi phí như, giống, phân bón, công làm đất, ... gia đình chỉ còn lãi chưa đến 2 triệu đồng/sào/năm.

Từ ngày địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau 4 vụ/năm với các loại cây như lạc, khoai tây, ngô ngọt, ...

Mở hướng cho người dân làm giàu

Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao là chủ trương rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác, góp phần giảm nghèo, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cùng diện tích canh tác.

-4698-1664334822.jpg

Các mô hình HTX giúp thay đổi tập quán, cách làm manh mún, nhỏ lẻ của người dân.

Đây cũng là một chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực để khai thác những tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương. Mở rộng các mô hình HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông Bùi Đức Dương - Giám đốc HTX Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích cây trồng, HTX mạnh dạn chuyển đổi từ đậu xanh sang lạc hè thu. HTX hỗ trợ bà con nông dân 100% giống, hướng dẫn kỹ thuật. Bước đầu, các vùng sản xuất khá hiệu quả, lạc cho năng suất khá và bán được giá. Đây là tiền đề để HTX mở rộng diện tích lên 10 ha trong vụ hè thu năm tới.

Nhờ ứng dụng nhiều loại giống mới và áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại nên năng suất lạc của HTX được cải thiện. Từ đó, thu nhập trên đơn vị diện tích của bà con nông dân cũng tăng theo. Năm nay, năng suất bình quân lạc hè thu của HTX đạt hơn 2 tạ/sào, cao hơn khoảng 10% - 15% so với các năm.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và khuyến khích thành viên HTX tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lạc hè thu, vừa đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, vừa chủ động được nguồn giống trong sản xuất, điều này đã giúp cho nhiều bà con thoát nghèo bền vững”, ông Bùi Đức Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, với các mô hình HTX chuyển đổi cây trồng, đã tạo nên bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình HTX này giúp thay đổi tập quán, cách làm manh mún, nhỏ lẻ của người dân.

Hiện nay, nhiều hộ có diện tích đất ít, không còn nhu cầu sản xuất đã cho thuê lại ruộng đất để chuyên tâm phát triển ngành nghề, dịch vụ khác có thu nhập cao hơn. Đây là cơ hội để chính quyền địa phương xây dựng được các mô hình tập trung ruộng đất, qua đó tạo thuận lợi cho việc đổi mới cơ cấu giống cây trồng, đưa khoa học - kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất.

“Chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi trọng tâm trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Do vậy, Cục Trồng trọt đang từng bước lựa chọn và phát triển các mô hình chuyển đổi nhằm không ngừng nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân”, ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Kim Yến


Tác giả: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết