Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết '4 nhà' tạo đà sản xuất bền vững

Để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa theo hướng bền vững, TP Hà Nội rất chú trọng đến mối liên kết “4 nhà” nhằm góp phần ổn định cung - cầu thị trường trong nước, phù hợp và thích nghi với trạng thái bình thường mới. Trong đó, các HTX là một trong những mắt xích giữ vai trò kết nối quan trọng.

Tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao sản xuất 200ha rau màu, trong đó có tới 134ha đã được cấp giấy chứng nhận an toàn.

“Trái ngọt” từ chuyển đổi

Để bảo đảm sản xuất, HTX đã kết nối chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT Hà Nội để được hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh hợp lý bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn VietGAP. Ngoài ra, HTX cũng liên kết với các công ty, cửa hàng thông qua các hợp đồng để cung ứng rau ra thị trường theo đơn đặt hàng.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Đông Cao cho biết, những năm gần đây, Nhà nước và TP Hà Nội luôn tạo điều kiện về các chính sách khuyến nông như nguồn nước khá ổn định hay hỗ trợ HTX liên kết theo hướng hàng hóa… Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, còn lại là cung cấp cho các tỉnh thành khác.

Hay như nhờ tận dụng các chính sách trong tích tụ ruộng đất của Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, HTX Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng Khu Cháy. HTX đã liên kết với các HTX trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica và liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

dsc-0031-7789-1653967038.jpg

Liên kết "4 nhà" tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Đông Cao phát triển cánh đồng lớn sản xuất rau màu.

Trung bình mỗi vụ, HTX Đoàn Kết tiêu thụ 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa với giá cả ổn định

Đó là 2 trong số những chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) thành công và đang phát huy hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn TP Hà Nội. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, trong đó có 59 chuỗi có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi có nguồn gốc thực vật.

Nhờ có mối liên kết 4 nhà mà dù dịch bệnh khó khăn nhưng riêng năm 2021 đã có 892,5 tấn rau, củ, quả các loại, 71 tấn gà, vịt, 75 tấn cá... của nông dân, thành viên HTX được hỗ trợ tiêu thụ.

Kinh nghiệm để kết nối hiệu quả giữa HTX, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học hiệu quả ở Hà Nội chính là ngay từ việc tổ chức hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho thành viên HTX, người dân đều phải được triển khai một cách bài bản để có chất lượng nông sản vượt trội..., từ đó làm tiền đề liên kết với doanh nghiệp và thúc đẩy các chính sách nông nghiệp của Nhà nước và Thành phố đi vào thực tiễn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX là điều kiện và cầu nối quan trọng để thúc đẩy liên kết “4 nhà”, từ đó hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác và các trang trại, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị.

Ở chiều ngược lại, các HTX , tổ hợp tác cũng tích cực vận động các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp phân phối. Các HTX cũng chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh với các sở ngành và doanh nghiệp để giúp người dân, thành viên nâng cao năng suất, bảo đảm lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, các chuỗi liên kết “4 nhà” không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 18- 20%, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân. Mặt khác, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng các mặt hàng nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng.

Thêm "đòn bẩy" phát triển chuỗi

Là một doanh nghiệp đang có nhiều hợp đồng liên kết với các HTX trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Hoàng Thạch cho biết, để hình thành được các hợp đồng tiêu thụ thì chất lượng sản phẩm là điều quan trọng hàng đầu. Điều này không chỉ thể hiện qua các loại giấy chứng nhận theo quy định của cơ quan chức năng, mà còn ở phương thức sản xuất cũng như sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của ngành nông nghiệp địa phương.

Đặc biệt, nhờ TP Hà Nội luôn có những chính sách khuyến nông, hỗ trợ các HTX trong hoàn thiện quy trình sản xuất và giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nên các doanh nghiệp cũng dễ dàng kết nối với các HTX và sẵn sàng mở rộng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thành viên.

Xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng liên kết “4 nhà” bền vững chính là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, giúp mang lại giá trị cao cho nông sản và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, từ những chuỗi liên kết “4 nhà” thành công, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng thêm những chuỗi liên kết an toàn ở trong các lĩnh vực, ngành hàng từ chăn nuôi đến trồng trọt, thủ công mỹ nghệ… với sự tham gia sâu rộng của nhiều thành phần kinh tế, nhất là các HTX - doanh nghiệp.

Để làm được điều này, Hà Nội sẽ chủ động các nguồn giống chất lượng cao ở cả cây trồng và vật nuôi, đồng thời tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho người dân, HTX.

Mặt khác, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp đến với nông dân, HTX và hình thành thêm chuỗi liên kết.

Khi càng có nhiều chuỗi liên kết theo hình thức “4 nhà” thì sẽ tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Việc phát triển các chuỗi liên kết “4 nhà” không chỉ mang lại giá trị tích cực cho nhiều bên tham gia, mà còn là giải pháp quan trọng để Hà Nội quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tùng Lâm


Tác giả: “Trái ngọt” từ chuyển đổi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết