Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở hướng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò tại Cát Tiên

Ngày 16/2, đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp đã có buổi làm việc với huyện Cát Tiên nhằm tìm hướng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 13.107 ha, gồm: Diện tích cây lâu năm 6,760 ha, cây hàng năm khác 6.347 ha; diện tích đất lâm nghiệp 27.254 ha.

Tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện đến nay là 1.047 ha; trong đó, có một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, như: Sầu riêng 300 ha với diện tích kinh doanh trên 100 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; chôm chôm 230 ha với diện tích kinh doanh 210 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, sản lượng 5.250 tấn/năm; măng cụt 55 ha với diện tích kinh doanh 55 ha, năng suất 4,5 tấn/năm, sản lượng khoảng 247,5 tấn/năm; còn lại là một số cây ăn trái khác. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực cây ăn trái là HTX cây ăn trái Quảng Ngãi - xã Quảng Ngãi, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đức Phổ - xã Đức Phổ, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm - xã Đồng Nai Thượng.

Còn về tổng đàn bò thống kê trong Quý I năm 2022, trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 9,802 con/2.703 hộ chăn nuôi. Trong đó, bò lai là 9,622 con/2,622 hộ chăn nuôi (chiếm 98,16% tổng đàn), trung bình mỗi con đạt trọng lượng trên 400 kg, đặc biệt đàn bỏ thịt giống BBB, cho thu nhập ổn định.

Qua đánh giá, hiện nay trên địa bàn huyện có tiềm năng lớn để phát triển vùng nguyên liệu của một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cụ thể như: Chôm chôm, măng cụt ở xã Đức Phổ; sầu riêng, bơ xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Nam Ninh, Đức Phổ; bưởi da xanh tại xã Quảng Ngãi… Đây là những địa bàn được đánh giá có điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, quỹ đất để thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tại một số địa bàn ven sông Đồng Nai như: Xã Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, có thể phát triển thêm diện tích trồng cỏ để phát triển nuôi bò sữa. 

Từ những tiềm năng sẵn có cùng với những định hướng phát triển ngành nông nghiệp, huyện Cát Tiên mong muốn được các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao. 

Tại buổi làm việc, ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt chia sẻ: Hiện nay, điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rất lớn. Trong đó, huyện Cát Tiên là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. 

Ông Phạm Tuấn Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt thông tin về kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao tại địa phương.

Ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt thông tin về kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao tại địa phương.

 

Trong thời gian đến, Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt sẽ thực hiện xúc tiến hỗ trợ nông dân trong chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi bò sữa và khai thác bảo quản sữa, tiến đến xây dựng các trạm thu mua sữa trên địa bàn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực xây dựng phương án sản xuất, liên kết với các hợp tác xã, người nông dân trong sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Đối với vấn đề phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông Đinh Hùng Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Ylang Holding chia sẻ: Để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, UBND huyện Cát Tiên cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản, an toàn, giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, phải đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện để tiến đến xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái đặc sản của địa phương. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Trí Dũng yêu cầu trong thời gian tới, huyện Cát Tiên sẽ tăng cường công tác triển khai, thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện. Tập trung tuyên truyền đến Nhân dân về chủ trương, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới của huyện, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong Nhân dân và thực hiện theo định hướng chung của huyện. Thực hiện tốt việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty đầu tư chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giải quyết việc làm. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, dần hình thành vùng sản xuất cây ăn trái, chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hướng đến xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn. Đặc biệt là xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn để phục vụ vận chuyển hàng hóa được thuận lợi…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết