Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Môi trường thay đổi, tôm cá nuôi lại chết

Ảnh hưởng mưa lũ, nhiều vùng nuôi trồng bị ngọt hoá, một phần do phù sa và người dân xả thải gây ô nhiêm môi trường nước làm thuỷ sản nuôi bị chết.

Người dân kiểm tra ao hồ

Đợt lũ lụt vừa qua gây thiệt hại đến nuôi trồng thuỷ sản tại một số địa phương, như trôi lồng cá trắm cỏ tại Quảng Thọ, cá điêu hồng chết hơn 4 tấn tại Quảng Phú (Quảng Điền). Cá điêu hồng chết được xác định do nước lũ, phù sa đầu nguồn đổ về gây sốc.

Ông Võ Kháng ở xã Phong Hải cho rằng, một trong những nguyên nhân tôm chân trắng nuôi trên cát tại địa phương bị chết, thiệt hại lớn là do người dân xả thải nước ra môi trường bừa bãi, không kiểm soát, làm cho tôm nuôi bị bệnh, chết hàng loạt.

Gần đây, một số vùng nuôi  xảy ra tình trạng người dân vứt cá chết ra các kênh mương thải chung. Đây là yếu tố dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm lây lan bệnh cho vật nuôi. Để giữ gìn môi trường chung của vùng, các địa phương quan tâm giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thu gom và xử lý triệt để. Trường hợp có cá chết hàng loạt khi dịch bệnh phải thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Kiểm tra cá nuôi lồng bị chết

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, các đợt mưa lũ thời gian qua làm ngập lụt nhiều vùng và gây ngọt hóa hoàn toàn vùng đầm phá. Độ mặn đo được tại 11 điểm vùng đầm phá ở ngưỡng thấp dưới 5-7%o, một số điểm gần như bằng 0.

Ảnh hưởng của phù sa nên tại Hương Phong (TP. Huế) môi trường ô nhiễm cao, vượt giới hạn cho phép cộng với người dân xả thải nên  tôm xảy ra dịch bệnh và chết.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời gian đến, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có khả năng xảy ra mưa lớn, kéo dài. Các hồ chứa tiếp tục phải điều tiết nước về hạ du nên trên các sông, nguồn nước sẽ đục và có nhiều phù sa, các chất lơ lửng bám vào mang cá nuôi gây chết.

Nuôi tôm đang gặp khó khăn do mưa lũ

Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến cáo, người dân tích cực thu hoạch cá diêu hồng, cá trắm thương phẩm, gia cố neo lồng nuôi cá trên sông Bồ. Tại vùng nuôi đầm Lập An - thị trấn Lăng Cô, cửa biển Tư Hiền - xã Vinh Hiền (Phú Lộc) cần thu hoạch cá giò (bớp), cá vẩu, cá mú nuôi lồng. Cá chẽm, cá hồng mỹ nuôi lồng tại cửa biển Thuận An, phường Thuận An, xã Hải Dương (TP. Huế) cũng cần thu hoạch sớm.

Người dân lưu ý hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi chuyên cá dìa, cá kình, cá đối mục khi mưa lớn; dự phòng máy nổ để đề phòng sự cố mất điện tại các vùng nuôi cao triều đầm phá xã Vinh Thanh, Vinh An (Phú Vang), phường Thuận An (TP. Huế). Các hộ nuôi cần xả tràn và gia cố đê ao để tránh hiện tượng vỡ đê gây thất thoát, ngọt hóa khi mưa lớn đối với vùng nuôi trồng thủy sản trên cát ven biển.

Đối với các vùng ương giống, thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm cần bổ sung vitamin, khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; kết hợp thường xuyên theo dõi thời tiết, các chỉ tiêu môi trường nước và sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: Triều  Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật