Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều rào cản khiến khu vực HTX chưa thể bứt lên

Việc Hợp tác xã gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường hiện nay còn gặp nhiều rào cản, chưa bảo đảm nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập và rút khỏi hợp tác xã, thiếu quy định đầy đủ về các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác trong thực tiễn và chưa tạo mối liên hệ, tính liên kết giữa các tổ chức hợp tác với nhau. Ngoài ra, quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý hợp tác xã còn chưa phù hợp…

Quốc hội Khóa XV đã thông qua đề xuất xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng

Trao đổi với báo giới, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Hợp tác xã là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân., hiện nay đóng góp khoảng 4% GDP cả nước. Khu vực kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã còn đóng góp gián tiếp từ 7 triệu thành viên và tác động đến đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên.

9-9-2-7633-1659064658.jpg

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Hợp tác xã gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường hiện nay còn gặp nhiều rào cản.

“Mặc dù Luật Hợp tác xã 2012 đã bước đầu tiệm cận với xu hướng phát triển hợp tác xã trên thế giới, góp phần tạo ra nhiều hợp tác xã kiểu mới, mang lại hiệu quả kinh doanh, sản xuất nhưng còn bộc lộ một số tồn tại cần sửa đổi”, ông nói.

Cụ thể, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Hợp tác xã gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường hiện nay còn gặp nhiều rào cản; Chưa bảo đảm nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập và rút khỏi hợp tác xã; Thiếu quy định đầy đủ về các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác trong thực tiễn và chưa tạo mối liên hệ, tính liên kết giữa các tổ chức hợp tác với nhau; Quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý hợp tác xã còn chưa phù hợp;…

Ngoài ra, thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm độ tin cậy; chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước còn cứng nhắc; quy định về tài sản, tài chính của HTX còn nhiều bất cập;…

Do đó, việc kịp thời sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết.

Nhận định về Luật HTX (sửa đổi), đại diện Liên minh HTX Thành phố Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để làm rõ hơn quy định về các hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác; kiến nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ góp vốn của thành viên góp vốn; kiến nghị xem xét các quy định về lợi nhuận, thặng dư, thu nhập của thành viên, người lao động...

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hoá nêu quan điểm, cơ bản thống nhất các nội dung của Dự thảo Luật HTX sửa đổi. Tuy nhiên, cũng có những góp ý về việc đổi tên Luật (sẽ kéo theo nhiều nội dung, tổ chức sẽ phải thay đổi tên gọi), hay về tỷ lệ góp vốn (nên nâng mức tỷ lệ góp vốn điều lệ tối đa của HTX lên 30%, liên hiệp HTX lên 40% (vì khi không quy định mức góp vốn tối đa sẽ không hạn chế được việc thành lập HTX danh nghĩa để trục lợi chính sách); hoặc quy định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HĐQT và Ban kiểm soát trong việc xử lý tài sản không chia đã hết thời hạn sử dụng…

05 điểm sáng kỳ vọng mang lại sự bứt phá cho kinh tế tập thể

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông, có 05 điểm sáng được kỳ vọng sẽ mang lại sự bứt phá cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác trong giai đoạn tới. Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng Tổ hợp tác trên cơ sở Nghị định số 77/2019/NĐ-CP và đối tượng Liên đoàn hợp tác xã dựa trên kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao.

Thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm thành viên chính thức và thành viên liên kết để huy động tối đa nguồn vốn, trí tuệ, sức lao động và mở rộng thị trường cho các tổ chức kinh tế hợp tác.

Thứ ba, trao quyền tự chủ cho các tổ chức kinh tế hợp tác trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức này; đồng thời Nhà nước sẽ có các chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển các hoạt động phục vụ thành viên, tăng trưởng quỹ và tài sản chung không chia.

Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Thứ năm, bổ sung chương riêng về chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó quy định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã trá hình để trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.

Trên thực tế, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Theo đó, quy định tại dự thảo theo hướng hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường, tạo sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp;….

Bên cạnh đó, dự thảo cũng có nhiều quy định nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện các quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại một chương riêng theo hướng bổ sung nguyên tắc, tiêu chí thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm phát huy bản chất hợp tác xã trên cơ sở báo cáo kiểm toán của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thống nhất các quy định về nội dung chính sách hỗ trợ đang quy định dàn trải; bổ sung chính sách hỗ trợ của Nhà nước thúc đẩy phát triển hợp tác xã.

Ngoài ra, quy định cũng cần thể hiện rõ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nhà nước cho kinh tế tập thể. Đối với các chính sách phát triển nguồn nhân lực, Chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng, bảo hiểm xã hội, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường... cần cụ thể hóa. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi cần quy định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, thiếu hiệu quả, khắc phục tình trạng hợp tác xã trá hình để trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đức Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết