Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những "mũi nhọn" xây dựng nông thôn mới ở Hỏa Tiến

Từ một xã nghèo, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đến nay xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã và đang liên tục tạo nên những “điểm son” trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. 

Có nhiều yếu tố giúp xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) xây dựng thành công xã nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, trong đó phải kể đến sự nỗ lực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại hóa, với dấu ấn đậm nét của các HTX.

Sức bật từ nông nghiệp

Hỏa Tiến từng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, bởi tình hình xâm nhập mặn, đất bị nhiễm phèn, tuy nhiên, nhờ sự cố gắng không biết mệt mỏi của người dân, cùng sự quan tâm đầu tư trên nhiều mặt của ngành chức năng, xã đã từng bước xóa vườn tạp, phát triển thành công những cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho người dân xã Hỏa Tiến những năm qua là cây khóm (dứa/thơm), với thương hiệu “khóm Cầu Đúc” nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, vươn tầm quốc tế.

-6699-1693468477.jpg

Khóm đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người dân Hỏa Tiến.

Hiệu quả của cây khóm là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đưa đời sống người dân trên địa bàn xã Hỏa Tiến ngày càng phát triển, đồng thời trở thành trợ lực không nhỏ giúp xã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và tiếp tục hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu thời gian qua.

Đáng chú ý, để giúp người trồng khóm an tâm sản xuất và có nguồn thu nhập cao, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh và thành phố đã xây dựng mối liên kết giữa nông dân trồng khóm với HTX và doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó HTX Thạnh Thắng đang là một trong những điểm sáng.

Hàng năm, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu và thu mua sản phẩm khóm cho thành viên và những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng hơn 1.500 tấn trái/160 ha. HTX cũng đã liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Theo thống kê của UBND xã Hỏa Tiến, toàn xã hiện có hơn 1.000 ha khóm Cầu Đúc, chiếm hơn 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, đã có 4 sản phẩm từ trái khóm, gồm mứt khóm, dưa chua củ hủ khóm, nước màu và rượu khóm Trường Thọ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hạo, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Nhờ chất lượng thơm ngon nên khóm Cầu Đúc luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, từ đó đầu ra ổn định. Đặc biệt mấy năm gần đây nhờ giá khóm ổn định đã giúp nhiều hộ vươn lên khá, giàu”.

Hiệu quả từ công tác dân vận

Bên cạnh cây trồng chủ lực là khóm, hiện nay người dân xã Hỏa Tiến còn nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả khác. Điển hình như mô hình ươm cây giống khóm, nuôi lươn và ốc bươu đen trong bể không bùn, nuôi vịt trời và ếch thịt, trồng bưởi da xanh và quýt, sản xuất lúa chất lượng kết hợp liên kết sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm…

Nổi bật trong số đó là mô hình nuôi lươn trong bể không bùn. Với mô hình sản xuất tập trung, cùng nhau tương trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến, đang bước đầu mang lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho thành viên.

-3819-1693468477.jpg

Cơ sở hạ tầng xã Hòa Tiến ngày càng nâng tầm cùng quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với những điểm tựa từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Hỏa Tiến cũng có vai trò quan trọng từ công tác dân vận khéo, vô cùng hiệu quả.

Theo ông Lê Thanh Tú, Bí thư Đảng ủy xã Hỏa Tiến, xác định công tác dân vận là giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới nên cả hệ thống chính trị trên địa bàn xã đã vào cuộc thực hiện công tác này với nhiều hình thức, qua đó làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng tham gia thực hiện.

Đơn cử như ở ấp Thạnh Xuân, Chi bộ ấp đã làm tốt công tác dân vận, rõ nhất là vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Để làm được điều này, chi bộ phân công cho đảng viên đến từng hộ gia đình để vận động bà con thường xuyên nhổ cỏ, vệ sinh môi trường xung quanh, tích cực trồng cây xanh, hoa kiểng.

Nhờ công tác dân vận được thực hiện hiệu quả nên người dân trên địa bàn ấp Thạnh Xuân ngày càng nâng cao ý thức trong việc xây dựng cảnh quan gia đình sạch đẹp. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã hết lòng ủng hộ khi chi bộ ấp tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.

“Tinh thần tự giác, trách nhiệm đóng góp của bà con là nền tảng rất quan trọng tạo nên sự phát triển của ấp thời gian qua”, ông Lê Tuấn Cảnh, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Xuân nhấn mạnh.

“Chạy đà” cho nông thôn mới kiểu mẫu

Công việc trồng khóm của gia đình khá vất vả nhưng ông Lê Thanh Sơn, ở ấp Thạnh Xuân, không quên chăm sóc hoa kiểng và coi đó là niềm vui trong cuộc sống. Nhờ bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông nên dãy hàng rào cây xanh và nhiều cây hoa kiểng của gia đình phát triển tươi tốt, thẳng tắp.

Ông Sơn chia sẻ: “Không riêng gia đình tôi, nhiều hộ dân ở ấp rất có ý thức trồng và chăm sóc hoa kiểng. Mỗi người góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ở gia đình sạch đẹp thì xóm ấp chắc chắn sẽ đẹp hơn”.

Theo lãnh đạo UBND xã Hỏa Tiến, với nhiều giải pháp được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương đang liên tục được nâng lên, góp phần giúp xã xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.

Minh chứng, nếu vào đầu năm 2018 (khi xã Hỏa Tiến được công nhận là xã nông thôn mới), thu nhập bình quân đầu người của xã là 37 triệu đồng/người/năm, thì nay tăng lên 65 triệu đồng/người/năm. Riêng tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,22% (năm 2018) nay xuống còn 1,03%.

Hỏa Tiến được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2017, xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và hiện địa phương đang đi những bước cuối cùng đề về đích trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một quá trình đầy quyết tâm và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ của địa phương.

Từ nay đến cuối năm 2023, xã sẽ tiếp tục vận động người dân phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên ít nhất 74,8 triệu đồng/người/năm nhằm đạt theo quy định.

Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao; xây dựng các HTX có các sản phẩm OCOP bán qua sàn thương mại điện tử…

Sáu Ngạn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết