Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân chuyên nghiệp là phải biết ‘bắt tay’ nhau

Người nông dân chuyên nghiệp phải luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác, phải chú trọng việc tham gia vào hợp tác xã… Bởi vì quy mô sản xuất quyết định cung - cầu, giá cả trên thị trường, giúp cho nông dân giàu có hơn, và mọi sự thất bại hay thành công nửa vời cũng là do sự thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp.

Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề Người nông dân chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đặt "đề bài": Việc xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa không dễ dàng. Phải chăng đó là do cơ chế, chính sách, đất đai, vốn, bảo hiểm, hay là do tư duy, cách thức sản xuất, liên kết và tiêu thụ của nông dân và các bên liên quan...?

Nông dân giàu có nhờ liên kết

Trước gợi mở của Phó Chủ tịch nước, nông dân Nguyễn Văn Linh, ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức (Gia Bình, Bắc Ninh), cho biết hiện nay, ông và nhiều nông dân khác đang tham gia vào mô hình liên kết trồng cà rốt xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, kể từ khi chuyển sang làm ăn có liên kết, nông dân trở nên chuyên nghiệp.

-2978-1662964206.jpg

Người nông dân giỏi là biết chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau. 

Vấn đề mà ông Linh muốn rõ là: Nhà nước sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới để hình thành được nhiều mô hình và thực chất hơn?

Hay nông dân Hoàng Thị Chắp, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San (tỉnh Lào Cai), cho hay đã sản xuất cá giống, đã lai tạo thành công cá chép Trung Quốc với cá chép sông Hồng, thu nhập 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm. Trong đợt "bão giá" thức ăn chăn nuôi vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi đã thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nếu có các hợp đồng, mối quan hệ làm ăn lâu dài với các DN, chi phí giảm được rất nhiều. Vậy, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp có các hình thức gì để "bắt tay" cùng nông dân, từ đó hai bên cùng có lợi và tiết giảm chi phí đầu vào?

Trong khi đó, nông dân Ngô Đức Thắng, Chi Hội trưởng nghề nghiệp nuôi vịt, xã Phạm Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên, chia sẻ thực tế cho thấy, những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong thời gian qua đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Vậy, làm sao để thúc đẩy các mô hình liên kết này?

Liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết, phát triển theo chuỗi giá trị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị nêu ra 4 vấn đề. Cụ thể, để người nông dân chuyên nghiệp, sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì phải liên kết, hợp tác với nhau. Ông Nghị dẫn kinh nghiệm 200 năm phát triển mô hình HTX trên thế giới cho thấy, quy mô sản xuất quyết định cung - cầu giá cả trên thị trường, khi chúng ta chỉ có 1 tấn sản phẩm thì không có tiếng nói nhưng nếu có 1 triệu tấn thì lập tức có quyền quyết định. “Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là quy luật khách quan, không phải chúng ta muốn hay không muốn mà được”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Nghị cũng đề cập phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Bài học của Israel đã minh chứng rõ nhất điều này. Công thức của họ là: Khoa học công nghệ cao + HTX = Thành công.

Vấn đề thứ ba được Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề cập là hiện nay là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu, giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10, 20 lần. Mà muốn có thương hiệu lại quay về câu chuyện liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc… Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.

Để mối liên kết bền chặt 

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ: Chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các "nhà" đều không thành công? Theo ông, mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 “nhà”: nông dân và DN. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì DN bẻ kèo. Do đó, 2 “nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Để hạn chế tình trạng “bẻ kèo” chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Ở góc nhìn DN, ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi thì sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh năm 2021, De Heus cho biết đang tham gia một chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ. DN cung cấp con giống gà màu, gà công nghiệp cho bà con và thu mua gà lông để cung cấp cho các nhà máy giết mổ. Tuy nhiên lúc đó, giá gà lông tại thị trường chỉ được dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá ký cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg. “Nếu thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng. Nhưng De Heus vẫn thu mua gà lông cho bà con như với giá như cam kết. Vì chúng tôi hiểu rằng, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi kiên kết hợp tác, đã nói là phải làm thôi”, ông Johan Van Den Ban chia sẻ.

Lãnh đạo De Heus cho rằng, khi tham gia chuỗi liên kết thì sự tin tưởng giữa các đối tác là rất quan trọng. Nhờ giữ lòng tin với nhau, mà ở châu Âu đã có rất nhiều HTX thành công, như Tập đoàn Topigs Norsvin - DN hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan cũng là một ví dụ rất thành công trong phát triển HTX, xây dựng chuỗi liên kết. Hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ có những chuỗi liên kết, HTX phát triển như vậy.

Trong khi đó, với Tập đoàn TH, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm cho hay phía DN không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ, mà kết nối với nông dân thông qua các HTX. Tuy nhiên, có một thực tế khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin do vẫn nghĩ rằng HTX hoạt động theo mô hình cũ như ngày xưa. Vấn đề cốt lõi là làm sao phải xây dựng được nhiều HTX kiểu mới.

Theo đó, ông Dũng cho rằng cần phải trả lời câu hỏi khi nông dân tham gia HTX thì họ được cái gì. HTX cần hoạt động như DN, có ban kiểm soát, hội đồng quản trị… Hiện, Tập đoàn TH đang xây dựng nông dân kiểu mẫu, nông dân trình diễn, hay nói cụ thể hơn là đào tạo cho những người nói tốt hơn để đi dạy cho các nông dân khác, đồng thời đại diện HTX đi đàm phán hợp đồng với DN. Nếu HTX hoạt động như vậy thì sẽ thành công.

-8826-1662964207.png

Ông Nguyễn Duy Hưng

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Nông nghiệp thiếu bền vững do nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là thiếu sự liên kết. Liên kết ở đây giữa nông dân với nhau, đặc biệt là liên kết giữa nông dân với HTX, DN. Tôi đã đi thăm mô hình chăn nuôi ở Nhật Bản, người ta liên kết với nhau để giữ thương hiệu nông sản rất tốt. Nếu không có sự liên kết mà mạnh ai nấy làm, thì không thể giữ được thương hiệu và không thể tạo ra giá trị. Việc liên kết có thành công hay không phải đến từ 2 phía, cả nông dân và DN.

-4824-1662964207.png

Bà Bùi Kim Thùy

Cố vấn cao cấp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nói: “không thể nào có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp nếu như không có người nông dân chuyên nghiệp”. Nhiều ý kiến cho thấy nông dân Việt Nam thiếu 5 thứ đó là: khoa học công nghệ; vốn; con giống vật tư cây trồng tốt; kiến thức; thiếu tính liên kết. Nhưng đối với tôi, quan trọng nhất có lẽ người nông dân đang thiếu một thứ, đó là thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp. Mọi sự thất bại hay thành công nửa vời là thiếu tính kết nối một cách chuyên nghiệp.

-9606-1662964207.png

Ông Trần Mạnh Báo

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed

Với tôi, người nông dân chuyên nghiệp phải là phải có tri thức, am hiểu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật; am hiểu quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính…; am hiểu chúng ta đang sống trong môi trường nào, thời đại nào, thể chế chính trị ra sao? Thứ hai, phải am hiểu khoa học công nghệ. Những nông dân hiện đại không ai không có smartphone, phải biết thứ chúng ta đang sản xuất thuộc công nghệ nào, sở hữu trí tuệ ra sao, phù hợp với môi trường chúng ta đang sống hay không. Thứ ba, phải luôn luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác, quan hệ với nhau, quan hệ với các cơ quan quản lý, với các DN. Phải chú trọng việc vào HTX và có trách nhiệm với chính bản thân mình và xã hội.

Lê Thúy 


Tác giả: Ông Nguyễn Duy Hưng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết