Nông nghiệp sạch hướng tới thị trường ngoại
Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) để cho ra các sản phẩm sạch phục vụ người dân trong nước là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm NNHC một cách bền vững cần phải hướng mạnh xuất khẩu ra nước ngoài...
Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận
Nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng
Việt Nam hiện đang xuất khẩu rau quả đến khoảng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Nhật Bản, Mỹ, Nga, EU và Hàn Quốc đều là những thị trường lớn có yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, họ yêu cầu phải áp dụng Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Trao đổi về xu hướng tiêu dùng sản phẩm NNHC, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm NNHC đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững. Theo ông Tiến, doanh số bán lẻ sản phẩm NNHC trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm NNHC đã đạt 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, sau 3 năm thực hiện Đề án nông nghiệp hữu cơ, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và NNHC đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích đất NNHC Việt Nam đã đạt trên 174 nghìn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất NNHC lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 nghìn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 nghìn ha, diện tích thu hái tự nhiên NNHC hơn 12 nghìn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt 335 triệu USD/năm, hơn 17 nghìn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu NNHC.
Tiềm năng là vậy nhưng nông nghiệp sạch của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, điều này thể hiện ở việc có trên 90% người tiêu dùng đang rất quan ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, sản phẩm NNHC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì giá cao hơn 50 - 200% so với sản phẩm thông thường. Vì vậy, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc mở rộng sản xuất NNHC còn gặp nhiều thách thức. Hơn nữa, việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC ở các địa phương còn rất hạn chế, các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ vẫn chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, điều đáng lo lắng hiện nay là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng và hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Chuỗi an toàn từ nông trại đến bàn ăn
Theo TS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT), nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn. Đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Trong tình hình người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc phát triển NNHC là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Vọng, NNHC cần hiểu ở đây không phải là nông nghiệp thời hoang sơ mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc chính: sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm.
Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica cho biết, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch từ năm 2013 đến nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm không minh bạch. Có quá nhiều người hỏi sản phẩm của công ty có thực sự sạch không? “Đó là áp lực nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi biết mình cần phải làm gì” - bà Thảo nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến gợi ý, bên cạnh xây dựng lòng tin, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế sử dụng sản phẩm NNHC nói riêng, như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Vọng cũng đề nghị cần xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho từng ngành hàng và sau đó cần tổ chức cơ chế quản lý. “Vì nông sản là kết quả của một chuỗi sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, gồm các khâu gieo hạt, chăm sóc ngoài đồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, giao thông chuyên chở, phân phối đến cửa hàng, cuối cùng đến tay người tiêu dùng” - ông Vọng gợi ý và nhấn mạnh, các nguy cơ ô nhiễm về hoá chất, sinh học và vật lý có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào trong chuỗi. Cơ chế quản lý an toàn thực phẩm do vậy phải là cơ chế quản lý theo chuỗi sản xuất.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất và nông sản hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp cần hướng tới. Tuy nhiên, phải xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân. Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết. |
Theo Đại đoàn kết