Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông thôn mới kiểu mẫu ở vùng ven đô Song Phượng

Trước đây, khi Hà Nội chọn Song Phượng (huyện Đan Phượng) là xã điểm để xây dựng nông thôn mới đã dấy lên những hoài nghi về mức độ thành công của địa phương. Bởi thời điểm đó, người dân Song Phượng chỉ trông vào lúa mùa vụ, nông nhàn không có việc làm. Trong khi giao thông liên thôn, liên xã còn chưa thuận tiện, cộng thêm tâm lý mới sáp nhập về Hà Nội khiến người dân hoang mang.

Nhưng giờ đây đến Song Phượng sẽ thấy bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu với những con đường rộng thênh thang chạy từ trung tâm huyện về các xã, qua các cụm công nghiệp làng nghề… cho thấy hình ảnh một vùng ven đô hiện đại.

Kinh tế hợp tác gắn liền với nông thôn mới

Hiện, cả xã còn khoảng 100ha đất nông nghiệp đều đã chuyển sang trồng rau, hoa và cây ăn quả; không còn diện tích cấy lúa. Giá trị sản xuất mỗi ha canh tác của xã đạt trên 400 triệu đồng. Đi liền với đó là những mô hình sản xuất được đầu tư bài bản, cho giá trị kinh tế cao.

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Song Phượng đang là đơn vị đại diện nhãn hiệu tập thể hoa Đan Phượng. Ngoài ra, HTX còn đầu tư khu nhà lưới trồng dưa chuột và một số loại rau màu theo mô hình công nghệ cao với diện tích 1.200m2. HTX đã liên kết với các bếp ăn tập thể, các chợ, cửa hàng tiện lợi để đảm bảo đầu ra.

Hay như mô hình trồng nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Thuận Thượng. Hiện, cơ sở của chị Huyền có 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) nấm, bình quân 1 vụ/năm, kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 4 năm sau. Giá các loại nấm trung bình là 120.000 đồng/kg đã giúp nâng cao thu nhập tạo thêm việc làm cho nhiều người dân. Để quản lý trang trại nấm, ngoài 2 vợ chồng, gia đình chị còn phải thuê 4-5 công nhân, với mức thù lao 7-8 triệu đồng/người/tháng. Cao điểm, vào thời vụ, gia đình chị phải thuê 20 người, trả thù lao 7-8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, gia đình chị có ý định phát triển lên thành HTX để mở rộng nguồn vốn và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Bên cạnh nghề nông, với lợi thế ven đô, người dân xã Song Phương còn phát triển kinh doanh, dịch vụ. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã hình thành như mô hình du lịch nông nghiệp gắn với các làng nghề như sản xuất bánh kẹo, chế biến nông sản thực phẩm… Chính vì vậy mà đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Đời sống được nâng lên, các hoạt động tinh thần được chú trọng.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng cho biết: Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, nông thôn mới nâng cao năm 2020, và tháng 6/2022 xã đón nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu do Thành phố Hà Nội trao. Du khách về xã bày tỏ rất thích con đường hoa dọc theo trục chính của xã, dài gần 1km với những loại hoa như: hồng, cúc, hoa ban, tường vi. Để đảm bảo con đường hoa, hiện việc chăm sóc hoa do bà con và các đoàn thể đảm nhận. Cụ thể là khu trung tâm khoảng 400m do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đảm nhận, còn lại do đội xung kích 5 -7 người, chuyên làm nhiệm vụ cắt tỉa, chăm sóc cây.

Thích ứng chuyển đổi số từ thôn thông minh

Ngoài các tuyến đường hoa, Song Phượng còn gây ấn tượng với nhiều người khi xây dựng thành công các thôn thông minh. Bởi trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có quy định: xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn thông minh.

Nhận thấy đây là hướng đi phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã xây dựng mô hình thôn thông minh tại 4/4 thôn trên địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình thôn thông minh được xây dựng trên nền tảng là các tổ tự quản thông minh và những công dân số đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn. Xã đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng xã, 4 tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các tổ trưởng tổ Đảng, tổ trưởng tổ tự quản để vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, làm các dịch vụ công trực tuyến...

Thông qua Zalo, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước. Ngay như các thủ tục hành chính như làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử… trước đều phải đến trực tiếp UBND xã thì nay đều làm điện tử thông qua các mã QR được đặt ở các vị trí thuận tiện trong từng thôn.

-1635-1699330998.jpg

Mô hình đổi pin lấy cây xanh, nhu yếu phẩm giúp môi trường nông thôn mới ở Song Phượng thêm xanh.

Hay như việc sản xuất, kinh doanh, mua bán tạp hóa của người dân, HTX bằng công nghệ, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử đã thuận tiện hơn vì có sự hỗ trợ của Tổ công nghệ số cộng đồng do giám đốc HTX nông nghiệp Song Phượng làm đại diện.

Việc xây dựng thôn thông minh không chỉ cho thấy sự thích ứng linh hoạt của xã trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời đại 4.0 mà còn cho thấy phương thức vận hành quản lý của những người đứng đầu xã đã có sự đổi mới trong quản lý. Từ đó tạo động lực để người dân, HTX, doanh nghiệp thích ứng trong thời đại số và giúp Song Phượng xóa đi những hoài nghi của những năm trước khi được chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá về những kết quả mà xã Song Phương đã đạt được, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết: Những kết quả xã Song Phượng đã đạt được góp phần thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Môi trường ngày càng sáng xanh, sạch đẹp

Không dừng lại ở những gì đã đạt được sau khi được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022, xã Song Phượng còn tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động để giúp người dân nâng cao đời sống, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.

Trong đó có các chương trình như đổi pin lấy cây xanh và nhu yếu phẩm. Pin sau khi thu gom sẽ đưa đi tiêu hủy tại nhà máy xử lý rác thải (theo đúng quy định về xử lý chất thải nguy hại). Mục tiêu lớn khi thực hiện mô hình này của xã là kêu gọi người dân thay đổi nhận thức, tiến hành phân loại rác thải tại nguồn. Mỗi người mỗi sức nhỏ, sẽ góp phần giúp xã thêm xanh, sạch, đẹp, thông minh, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để lan tỏa nếp sống xanh sạch đẹp, thay vì những bức họa được vẽ bằng sơn trực tiếp lên các bức tường, xã còn phát triển phong trào “vẽ” tranh bằng rác thải tái chế. Hoạt động này không chỉ tạo cảnh quan cho làng quê mà còn giúp kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Rác thải được tái chế cũng giúp xã thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân xã, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn Song Phượng đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cảnh quan môi trường toàn xã ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - thông minh.

Song Phượng cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình dân vận khéo để tạo sự đồng lòng của nhân dân trong xây dựng làng quê trù phú. Chính vì vậy là năm 2023, xã đã có 3/30 cá nhân của toàn thành phố Hà Nội được tặng bằng ken trong phong trào thi đua dân vận khéo.

Minh Nhương


Tác giả: Kinh tế hợp tác gắn liền với nông thôn mới
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết