Tăng đến 3.000 đồng/kg, cà phê hướng đến đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (4/6) trong khoảng 122.000 - 123.300 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với hôm qua. Lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Việt Nam và Brazil thời gian qua gây thiệt hại cho cây cà phê đã đẩy giá tăng vọt.
Cà phê dường như đang trở lại đường đua tăng giá. |
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 122.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 123.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), cà phê được thu mua cùng mức 122.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê ở mức 123.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 123.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 123.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 123.000 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 123.000 đồng/kg.
Sau khi đạt đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg hồi cuối tháng 4 năm nay, tới đầu tháng 5, giá cà phê bất ngờ giảm sốc. Vậy nhưng, đến nửa cuối tháng 5, giá cà phê bắt đầu hồi phục. Những ngày này, giá cà phê dường như đang trở lại đường đua, hướng tới đỉnh lịch sử thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Nguyên nhân đà tăng của giá cà phê đến từ thời tiết xấu tại hầu hết các quốc gia làm dấy lên lo ngại vụ thu hoạch cà phê thất bát. Điều này khiến giá các mặt hàng nông sản tăng chung trong mối lo ngại giá lương thực toàn cầu, trong đó có cà phê.
Theo Fairtrade International - tổ chức bảo trợ đại diện cho nông dân và hợp tác xã ở các nước sản xuất cà phê - điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, đang làm đảo lộn “sự cân bằng mong manh giữa cung và cầu” và đang đẩy giá lên cao.
Hạn hán kéo dài ở Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta chính, đã gây thiệt hại cho cây trồng. Trong khi đó, Brazil, nguồn cung cấp cà phê Arabica chính, phải hứng chịu những trận mưa lớn ảnh hưởng đến vụ thu hoạch.
Tổ chức này kết luận rằng những bất ổn về khí hậu, sự gián đoạn trong các tuyến thương mại quốc tế và tính chất đầu cơ của nhiều danh mục đầu tư đã “tạo ra một cơn bão hoàn hảo trên thị trường cà phê thế giới”.
Theo các chuyên gia, niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm. Với tình hình giá thị trường như hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.
Bộ NN&PTNT đánh giá, cà phê là một mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Mức tăng giá xuất khẩu cà phê cao hơn so với gạo, tiêu (tăng lần lượt 20,5% và 39,3%)...
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 152 USD/tấn, ở mức 4.272 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 123 USD/tấn, ở mức 4.110 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 4,2 cent/lb, ở mức 226,55 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 4,25 cent/lb, ở mức 225,5 cent/lb.
Thị trường cà phê 2 sàn phiên đầu tuần cùng tăng. Robusta lấy lại những gì đã mất ở phiên cuối tuần trước, trong khi Arabica hồi phục lại được một nửa.
Cà phê được hỗ trợ bởi đồng USD đang yếu đi. Rạng sáng 4/6, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,63%, xuống mốc 104,04.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần chậm lại, với số liệu về chi tiêu sản xuất và xây dựng thấp hơn dự kiến.
NY