Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu thu thập thông tin giữa nhiều biến động, xuất khẩu nông sản dễ thua thiệt

Tác động từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, cùng nhiều biến động khác trên thị trường quốc tế… đang đòi hỏi các nhà xuất khẩu nông sản Việt cần chủ động thu thập đầy đủ thông tin để phân tích, dự báo đúng tình hình. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro, thua thiệt, mà còn tìm thấy được cơ hội xuất khẩu từ những nguy nan.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho biết công ty của ông là "nạn nhân" từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho hoạt động xuất khẩu (XK) các dòng sản phẩm trái cây sấy vào thị trường này gặp vô vàn khó khăn trong thời gian qua.

Tránh tình huống bất lợi

Để thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc không chỉ siết các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc, mà còn làm nhiều cách để hạn chế hàng XK nông lâm thuỷ sản từ Việt Nam sang.

Riêng với ngành hàng thuỷ sản, theo nhận định trong tháng 4/2022 của CTCP chứng khoán BIDV (BSC), tại thị trường Trung Quốc, việc Chính phủ theo đuổi chính sách Zero Covid vẫn sẽ là nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến việc XK cá tra vào thị trường này: Phong tỏa thành phố khiến chi tiêu thủy sản tại các nhà hàng giảm, thắt chặt khâu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại cảng…

HINH-6131-1650449746.jpg

Các nhà chế biến nông sản XK cần chủ động thu thập thông tin trước nhiều biến động trên thị trường nhằm những rủi ro, thua thiệt.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp (DN) trong ngành XK tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), lưu ý các nhà XK đang rất cần những thông tin phân tích về yếu tố gây lợi - hại trong chính sách Zero Covid của Trung Quốc. 

Chẳng hạn, chính sách này khiến cho nhiều lô hàng nhập vào Trung Quốc có dính Covid và nhiều nhà XK vào Trung Quốc sẽ bị cấm cửa ngắn hạn như nhiều hãng tôm Ecuador đã từng bị các năm qua.

Tình huống này sẽ dẫn tới việc khi tôm Ecuador vào vụ và ồ ạt xuất vào Trung Quốc, nếu “cấm cửa” xảy ra, Ecuador chắc chắn sẽ chuyển hướng đưa tôm đi tiêu thụ ở các thị trường lớn khác như Mỹ, EU.

Theo ông Lực, chắc chắn lúc đó, XK tôm của Việt Nam sẽ vất vả cạnh tranh và bán giá giảm là điều sẽ xảy ra, nhất là không phải DN tôm nào cũng đủ khả năng ứng phó khi tình huống bất lợi này xảy ra.

Nêu ra vấn đề như vậy, Chủ tịch Fimex VN muốn nhấn mạnh nếu thu thập thông tin không đủ, không kịp thời sẽ khiến quyết sách kinh doanh của các DN không đạt kết quả cao, thậm chí còn thua thiệt. 

Qua đó cho thấy giá trị của việc thu thập đầy đủ thông tin và có sự phân tích ở mọi góc cạnh là điều cực kỳ cần thiết cho các nhà XK nông sản trong bối cảnh vẫn còn chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cũng như những biến động về mặt địa chính trị trên thế giới.

Đơn cử như với xung đột Nga - Ukraine kéo dài như hiện nay, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), nói rằng trước những tác động từ cuộc xung đột này thì hơn ai hết, chính các DN trong ngành nông lâm thuỷ sản nên có sự chủ động hơn trong việc thu thập, đánh giá, tiếp cận các thông tin dự báo nhằm lường trước các rủi ro trong hoạt động XK.

Chủ động năng lực dự báo 

Theo ông Trai, các DN cần đánh giá lại năng lực dự báo của chính mình, nhất là trước những tác động cụ thể từ tình hình cuộc xung đột đến với DN trong ngắn hạn và dài hạn. Qua đó, sẽ giúp cho các DN có sự điều chỉnh phù hợp. 

Không chỉ vậy, như lưu ý của Chủ tịch GIBC, nhìn về vấn đề thông tin dự báo này thì rất cần sự phối hợp, liên kết, đầu tiên là cộng đồng DN với Nhà nước và các ngành với nhau nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường XK tốt hơn. 

Bàn thêm về cuộc xung đột này, giới phân tích cho rằng các nhà XK nông sản Việt nên thường xuyên cập nhật một số thông tin như các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga sẽ tạo ra khoảng trống thị trường cho các quốc gia đối thủ.

Trong chuyện này, như với DN XK trong ngành thuỷ sản có thể lưu tâm đến những dự báo nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường. Nhất là sau các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến tranh tại Ukraine kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) tại các thị trường Mỹ và EU.

Hoặc như với thị trường Trung Quốc, dù chính sách Zero Covid đang gây nhiều tranh cãi, nhưng theo nhận định của BSC, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.  

Thực ra, trong vấn đề thu thập các thông tin nhằm phục vụ cho hoạt động XK nông sản, bà Trần Thị Kim Nhung, giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây liên kết với các hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh đó là nhu cầu thực tế mà hầu như bất cứ DN, HTX nào cũng cần phải làm nhằm phục vụ cho chiến lược sản xuất kinh doanh, XK của mình. 

Tuy nhiên, như lưu ý của bà Nhung, thông tin dự báo về các thị trường XK trên phương tiện truyền thông hay từ các cơ quan có trách nhiệm hoặc các hiệp hội DN vẫn còn nhiều mặt hạn chế, thiếu thông tin, thiếu chính xác hoặc đôi khi như như “báo cáo thành tích”. Điều này khiến các nhà XK nông sản không dám dựa hẳn vào một số thông tin dự báo thị trường.

“Đơn cử như các thông tin dự báo về giá cả nông sản. Nhiều khi có những dự báo không đúng đã làm ảnh hưởng cho các nhà XK nông sản, và hệ lụy là còn làm ảnh hưởng không tốt đến nhà sản xuất, các HTX và cho cả nông dân”, bà Nhung nói.

  Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết