Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trồng bưởi sạch, bán 'đắt như tôm tươi'

Nông dân ở nhiều vùng trồng bưởi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội những năm qua không còn lo cảnh “được mùa dội chợ” khi vào chính vụ thu hoạch, tự tin làm giàu bởi HTX mà họ tham gia đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, gắn mã số và bao tiêu tại vườn.

Xã Yên Sở (Hoài Đức) nằm bên bờ sông Đáy nên nhận được lượng phù sa màu mỡ bồi đắp. Vì vậy, đất nơi đây rất thuận lợi và phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả.

Sản xuất khoa học

Toàn xã hiện có 160,3 ha diện tích cây ăn quả, diện tích trồng cây bưởi chiếm 70 ha. Trong năm 2022, xã đã trồng mới được thêm 5 ha. Diện tích bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch, cho năng suất cao là 45 ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 1.800 tấn.

Bưởi Yên Sở có nhiều giống đặc sản có từ 40-50 năm về trước, chất lượng cao như bưởi Diễn tôm vàng, bưởi đào đường, bưởi Diễn tôm xanh... Qua nhiều thập kỷ phát triển, bưởi đang mang lại giá trị cao, mỗi năm cho thu nhập trung bình 50 - 100 triệu đồng/sào (tùy thời điểm, cao nhất vào vụ Tết).

Trước đây, bưởi chỉ được người dân canh tác nhỏ lẻ trong các khu vườn của gia đình. Nhưng những năm qua, với chủ trương của địa phương, sự dẫn dắt của HTX, người dân chuyển sang trồng tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất hữu cơ giúp nâng cao giá trị.

-6438-1677053922.jpg

Sản xuất sạch giúp nhiều vùng trồng bưởi ở Hà Nội gia tăng giá trị sản xuất.

Ông Trần Hữu Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Sở cho hay, mỗi hộ dân muốn tham gia HTX hoặc mô hình thâm canh bưởi của xã đều phải tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Theo đó, mỗi hộ phải có sổ tay ghi chép, theo dõi từ cách chăm bón cho đến khi cho ra thành phẩm. Phân bón chỉ dùng phân vi sinh hữu cơ HK, phun các loại thuốc có tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Sau 7 ngày cách ly quả thì bưởi hoàn toàn sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ sản xuất sạch, bưởi Yên Sở luôn “đắt như tôm tươi”. Vụ Tết Nguyên đán 2023, bưởi bán tại vườn có giá khoảng 40.000-45.000 đồng/quả (loại 1), 1 sào sẽ cho thu nhập bình quân 45 - 50 triệu đồng.

Trong xã, hộ trồng nhiều thường có 4 - 5 sào, trồng ít khoảng 1 - 2 sào, trong đó có một số hộ gia đình trồng bưởi nổi tiếng như hộ gia đình ông Nguyễn Trí Kính ở thôn 8, ông Nguyễn Văn Lương, ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 9… mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Đắc Hợi, thôn 8 cho biết, diện tích trồng bưởi của gia đình ông tuy không lớn nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi để tham gia xây dựng, phát triển mô hình bưởi hữu cơ tốt hơn.

Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, nhất là được sự quan tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức và xã Yên Sở, nên gia đình ông cùng thành viên HTX đã được hỗ trợ phân vi sinh, đậu tương và tham gia các lớp tập huấn trồng bưởi hữu cơ, nâng cao hiệu quả.

Gia tăng giá trị

Cùng với Yên Sở, Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cũng là miền đất trứ danh của quả bưởi ở đất Hà Thành. Nổi bật có HTX Bưởi đỏ Đông Cao đang lưu giữ giống bưởi đỏ quý hiếm từ những năm 50 của thế kỷ XX. Những cây bưởi ở đây được trồng theo mô hình VietGAP nên múi bưởi mọng nước, tép không nát, có vị ngọt tự nhiên, giá bán vì thế cũng cao hơn bưởi trồng đại trà.

Ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao cho biết, cây bưởi đỏ đã được trồng trên địa bàn thôn Đông Cao từ lâu, trở thành cây trồng đặc sản của địa phương; về chất lượng thời gian qua đã được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hiện, HTX có 20 thành viên tham gia trồng hơn 3.500 cây bưởi, hộ ít thì vài chục cây, hộ nhiều lên đến hàng trăm cây. Năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội biết đến giống bưởi đỏ quý hiếm tại địa phương vẫn còn lưu giữ, nên đã gắn mã số và tuyển chọn ra những cây đầu dòng.

Những năm gần đây, HTX đã tiến hành mở rộng diện tích trồng, lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu tự động khắp vườn. Cách đây 2 năm, HTX triển khai tập huấn, hướng dẫn các thành viên chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Trong quá trình chăm sóc bưởi, các thành viên HTX không phun và sử dụng các loại thuốc hóa học có hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy mà sản phẩm bưởi đỏ của HTX được các hệ thống cửa hàng hoa quả sạch, siêu thị ở TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận thu mua với giá cao.

Ông Nguyễn Xuân Tình, thành viên HTX Bưởi đỏ Đông Cao, sở hữu khu vườn 250 cây bưởi, cho hay với một vườn trồng 200 cây sẽ cho sản lượng trên dưới 15.000 quả, người trồng thu về 300 - 400 triệu đồng. Nếu tuân thủ khoa học kỹ thuật, thời tiết thuận lợi, thị trường không quá biến động, người trồng bưởi ở Đông Cao hoàn toàn tự tin làm giàu.

Năm 2021, sản phẩm bưởi đỏ của HTX Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND TP.Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 100% sản phẩm của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người mua hàng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng bưởi đỏ...

Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh thị trường khốc liệt, các sản phẩm ngoại tràn vào thị trường nội địa, sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao chính là “chìa khóa” để các vùng trồng bưởi ở Hà Nội duy trì sức hút. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX, nông dân mở rộng vùng trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó liên tục nâng cao giá trị sản xuất.

Linh Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết