Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Đồng Hỷ trở thành 'đầu tàu' trong phát triển OCOP ở Thái Nguyên?

Đồng Hỷ là một trong những vùng trồng chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Nhưng không chỉ có cây chè, huyện còn có nhiều cây trồng thế mạnh khác mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xây dựng kinh tế xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với lợi thế là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nhiều HTX, làng nghề truyền thống, Đồng Hỷ đặt mục tiêu mỗi xã có một sản phẩm chủ lực, thương hiệu mạnh. Nhờ đi đúng hướng, huyện đang là địa phương đi đầu của tỉnh về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chú trọng cây trồng chủ lực

Trong các sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Đồng Hỷ xác định cây chè là cây kinh tế chủ lực. Để có được chứng nhận OCOP, nhiều HTX chè đã nỗ lực nâng cao chất lượng, khoa học – kỹ thuật, thiết kế, mẫu mã, bao bì bắt mắt, độc đáo để thu hút khách hàng.

Điển hình như HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung) đang là đơn vị điển hình trong việc cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng mẫu mã, bao bì sản phẩm độc đáo như mẫu hộp bằng mây tre đan thân thiện môi trường, hay thơ in trên bao bì hộp đựng chè để giới thiệu về HTX.

HTX được thành lập năm 2012, hiện có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 150 tấn.

-4595-1686037277.jpg

Chè đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nông dân huyện Đồng Hỷ.

Việc coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng đang giúp các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương ngày càng vươn xa. Đến nay, HTX có 5/8 dòng sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cũng chú ý đến việc sáng tạo những mẫu bao bì thân thiện với môi trường có tính tái sử dụng cao. Đây không chỉ là một trong những tiêu chí xếp hạng OCOP mà cũng là xu hướng nhiều người tiêu dùng quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường”.

Tương tự, sau gần 6 năm liên kết với các hộ dân, HTX chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, luôn nỗ lực hướng các thành viên đến sản xuất an toàn, chất lượng. Công tác quảng bá, mở rộng thị trường được chú trọng. Nhờ đó, HTX đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm tiềm năng lên hạng 5 sao.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch HĐQT HTX Thịnh An chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Đơn vị đang dự tính đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để sản xuất chè, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.

Đa dạng sản phẩm

Không chỉ có cây chè, huyện Đồng Hỷ hiện có rất nhiều loại nông sản thế mạnh khác. Có những đơn vị như HTX Thái Minh, HTX miến Việt Cường, HTX Thịnh An, HTX Tuyết Hương… sở hữu 4-5 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3-4 sao trở lên.

Điển hình, nhắc đến sản phẩm OCOP của huyện Đồng Hỷ không thể không kể tới sản phẩm miến dong Việt Cường của HTX Miến Việt Cường, xã Hóa Thượng.

Năm 2021, vượt qua 43 sản phẩm của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm Miến dong Việt Cường đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia công nhận đạt chuẩn 5 sao. Đến nay, giá trị thương hiệu sản phẩm ngày càng được khẳng định, thị trường liên tục mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường, nhấn mạnh việc đạt được sản phẩm OCOP 5 sao như một “giấy thông hành” giúp khách hàng ngày càng tin tưởng sử dụng sản phẩm.

Đáng chú ý, trong 3 năm qua, các chủ thể OCOP nói riêng cũng như ngành nông nghiệp của huyện Đồng Hỷ đã rất tích cực ứng dụng chuyển đổi số để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Riêng năm 2022, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đăng tải trên 60 sản phẩm hàng hóa lên các trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, như: Công ty CP NTEA Thái Nguyên, HTX chè Nguyên Việt, HTX chè Tuyết Hương, HTX miến Việt Cường, HTX chè Thịnh An…

Kết quả, huyện Đồng Hỷ đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh với 31 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm (miến Việt Cường) được xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt của huyện từ 110 triệu đồng/ha năm 2020 lên hơn 120 triệu đồng/ha năm 2022.

Kinh tế phát triển, đời sống ấm no, từ đó người dân có điều kiện đóng góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình công cộng, thực hiện các tiêu chí về hạ tầng giao thông, văn hóa, thủy lợi… trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, trong hơn một năm qua, địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng xã Tân Long đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hóa Trung đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Minh Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xóm thông minh.

Các xã còn lại của duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo lộ trình, huyện phấn đấu đưa xã Văn Lăng là xã cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, toàn huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết