Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu nông sản ‘đầu có xuôi đuôi sẽ lọt’

Một vài tín hiệu tích cực trong nửa đầu tháng 1/2023 để thấy xuất khẩu nông sản cần trên tinh thần vững tin “đầu có xuôi đuôi sẽ lọt”. Nhất là các doanh nghiệp Việt nên biết người biết ta mà uyển chuyển trong sách lược thị trường, phát huy khả năng chế biến sâu của mình.

Trong nửa đầu tháng 1/2022, có một vài thông tin tích cực cho hoạt động xuất khẩu (XK) nông sản. Chẳng hạn như lần đầu tiên 18 tấn củ cải muối ở xã Nàn Ma, huyện Xín Mần (Hà Giang) XK sang thị trường Nhật Bản bằng đường biển.

Những tín hiệu tích cực

Điểm ghi nhận là ở vùng sâu vùng xa như xã Nàn Ma đã được Công ty TNHH VietNam Misaki (Nhật Bản) đầu tư xưởng sơ chế và chế biến nông sản quy mô 1.000 tấn/năm để phục vụ XK trong chương trình liên kết theo chuỗi giá trị, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và XK.

-3549-1673860870.jpg

Khi khởi động đầu năm 2023 các nhà XK nông sản cần trên tinh thần vững tin “đầu có xuôi thì đuôi sẽ lọt”.

Hoặc như Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) từ nay cho đến tháng 3/2023 sẽ thực hiện XK 8 container, loại 20 feet với tổng sản lượng 30 tấn rau xà lách các loại sang thị trường Malaysia.

Đây cũng là những chuyến hàng XK rau xanh đầu tiên trực tiếp từ tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Malaysia, qua đó mở ra nhiều tiềm năng để nông sản Lâm Đồng tiếp cận thị trường còn nhiều mới mẻ này.

Các đối tác từ Malaysia đã đặt hàng cho nhà cung ứng ở Lâm Đồng với số lượng khoảng 30 tấn rau xà lách với giá thành 2,8 USD/kg. Theo đó, đều đặn mỗi tháng, nhà cung ứng sẽ chịu trách nhiệm sản xuất, thu hoạch và vận chuyển 2 container để XK bằng đường biển sang Malaysia. 

Không dừng ở con số nêu trên, cơ hội để các doanh nghiệp (DN) ở Lâm Đồng XK rau quả vào thị trường Malaysia được cho là còn rất lớn. Bởi lẽ, theo khảo sát từ phía Công ty Trường Phúc thì sản lượng rau quả mà họ cung ứng sang Malaysia chỉ mới đáp ứng được chưa đến 3% nhu cầu sản lượng của các đối tác.

Hơn nữa, để có thể giảm đến 1/3 chi phí vận chuyển thì phía DN cũng này cũng đang làm việc với cảng Cam Ranh (Khánh Hoà) để tiến hành xuất hàng từ cảng này thay cho đường vận chuyển Đà Lạt (Lâm Đồng) đến cảng Cát Lái (Tp.HCM). 

Còn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ghi nhận trong nửa đầu tháng 1/2023 cho thấy giá cả của một số loại trái cây đã tăng mạnh nhờ đầu ra XK có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa thị trường, không còn thực hiện cứng nhắc chính sách Zero Covid.

Theo anh Trần Hoàng Ngân, chủ một cơ sở thu mua sầu riêng phục vụ XK tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), mỗi ngày cơ sở thu mua được 5-10 tấn sầu riêng nhưng con số này là vẫn còn khá ít so với nhu cầu tiêu thụ. Bởi nhu cầu sầu riêng phục vụ XK là rất lớn, nhất là XK sang thị trường Trung Quốc.

Theo đánh giá mới đây từ bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VnDirect, việc giao thương qua biên giới Việt Nam và Trung Quốc dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ XK nông sản Việt Nam. Cụ thể, XK cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc. 

Uyển chuyển sách lược thị trường

Phía VnDirect cũng nâng dự báo tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trong năm 2023 lên mức 3,1% so với cùng kỳ từ mức dự báo trước đó là 2,9%. Việc điều chỉnh đối với ngành nông nghiệp để phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra và triển vọng tươi sáng hơn nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.

Theo giới chuyên gia, Trung Quốc vẫn là trụ cột cho XK cá tra của Việt Nam trong thời gian tới. Với việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng XK của các DN trong năm 2023 của ngành này.

Điểm chú ý là những DN nào có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ là những DN được hưởng lợi nhiều hơn. Đơn cử như CTCP Nam Việt (với tỷ trọng doanh thu thị trường Trung Quốc chiếm 14%); CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (tỷ trọng doanh thu sang Trung Quốc chiếm 40%), CTCP Vĩnh Hoàn - VHC (tỷ trọng doanh thu sang Trung Quốc chiếm khoảng 10%).

Đứng ở góc độ của một DN XK hàng đầu trong ngành thuỷ sản, đặc biệt là XK tôm, khi bàn về chuyện “khởi động đầu năm”, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), có nhấn mạnh trước mắt đường còn lắm chướng ngại, sẽ khiến ta không chủ quan, luôn bình tĩnh nhẫn nại tìm sách lược vượt qua từng cái khó một trên tinh thần vững tin “đầu xuôi đuôi lọt”.

Theo ông Lực, điều quan trọng là các DN (như trong ngành tôm) phải biết người biết ta mà uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm… phát huy thế mạnh là khả năng chế biến sâu của mình. 

Chẳng hạn, như ở Mỹ thì tham gia cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối cao cấp. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường gần sẽ giảm tăng ảo vào giá bán do chi phí vận chuyển thấp. Ở Tây Âu đẩy mạnh tiêu thụ tôm có chứng nhận ASC để thâm nhập khúc thị phần tôm cấp cao.

Còn theo ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), trước dự đoán những khó khăn, thách thức có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023 các DN phải xem xét lại tất cả các hoạt động kinh doanh của mình. 

Ông Thành cho biết trong lúc những thị trường trọng yếu lâm vào cảnh khủng hoảng, sức mua chậm đi thì công ty quyết tâm duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh và đang đẩy mạnh khai thác nhiều thị trường khác và xúc tiến thương mại ở đa thị trường.

Có thể thấy, từ một vài tín hiệu tích cực cho XK nông sản dù vẫn đang đối mặt nhiều thách thức phía trước, là động lực để giúp các nhà XK tiếp tục có những sách lược kịp thời về mặt thị trường trong thời gian tới. Nhất là cần có ý thức cao hơn trong việc tìm hiểu thông tin tình hình thị trường XK cũng như xu thế nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế để từ đó có tính toán phù hợp về đầu ra nông sản một cách hiệu quả.

          Thế Vinh


Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết