Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Chuyển biến mạnh mẽ

Ngành Công Thương tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến và cải tiến tích cực trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Thời gian qua, ngành Công Thương tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến và cải tiến tích cực trong công tác quản lý và thực thi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Phòng thí nghiệm sắc ký - Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia (Viện Công nghiệp thực phẩm - Bộ Công Thương)

Phòng thí nghiệm sắc ký - Trung tâm Phân tích và Giám định thực phẩm quốc gia
(Viện Công nghiệp Thực phẩm - Bộ Công Thương)

Phát triển nguồn lực nghiên cứu

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương. Từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đến nghiên cứu công nghệ trong các lĩnh vực: Cơ khí, điện tử, khai thác khoáng sản, luyện kim, hóa chất, năng lượng, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm…

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, nhiều kết quả nghiên cứu đã được phát triển, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển ngành, nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Từ kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các đơn vị trong ngành Công Thương đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý: 3 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; 5 công trình được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; 1 giải thưởng VIFOTEC về sáng tạo khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động sản xuất công nghiệp, yêu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thường kéo dài nên kết quả, hiệu quả của ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh vẫn cần thời gian để minh chứng.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu lĩnh vực chiến lược, chính sách đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ hoạch định chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển bền vững của ngành Công Thương.

Các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này đã tập trung giải quyết các vấn đề về: Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình nhằm tái cấu trúc và phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Mặt khác, nghiên cứu các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cung cấp hệ thống thông tin thị trường phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh, phát triển mô hình phân phối, bán buôn và bán lẻ hiện đại; cung cấp các giải pháp và chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao…

Đổi mới công tác quản lý

Theo Vụ khoa học và công nghệ, với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực, công tác quản lý khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương đã được đổi mới một cách toàn diện từ nội dung tới phương thức quản lý.

Về nội dung, các nhiệm vụ đã chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Về mặt tổ chức thực hiện, tăng cường hình thức tuyển chọn, tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm. Đối với các chương trình cấp quốc gia, kinh phí phân bổ trung bình trên một nhiệm vụ tăng liên tục qua các năm. Từ đó, đảm bảo quy mô và phạm vi của nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Đối với nhóm các nhiệm vụ cấp bộ, kinh phí bố trí cho các đề tài R&D, dự án sản xuất thử nghiệm và các nhiệm vụ thực hiện các Chương trình trọng điểm cấp bộ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nguồn kinh phí khoa học và công nghệ cấp bộ, khoảng 51%.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường xây dựng các cơ sở dữ liệu, hỗ trợ công tác quản lý khoa học và công nghệ.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật