Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú gỡ tâm lý cho học sinh cuối cấp

Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh lớp 12 cùng lúc phải đối diện với những áp lực vô hình đến từ nhiều phía. Nếu không biết cách để cân bằng, hài hòa giữa học tập và thư giãn sẽ khiến các em dễ mất phương hướng, động lực trong ôn luyện chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp.

"Giai đoạn gấp rút rồi nhưng em mệt mỏi quá"

Mặc dù theo sát khung chương trình ôn tập tại trường, dành nhiều thời gian tự luyện tại nhà nhưng khi bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, rất nhiều học sinh khối 12 vẫn cho rằng bản thân chưa đủ tự tin, thậm chí có phần áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp đã cận kề.

Anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú gỡ tâm lý cho học sinh cuối cấp

Một bức ảnh trong bộ ảnh “Đừng để áp lực học tập tạo ra chán nản” của nhóm học sinh lớp 12C10 Trường THPT Lê Hồng Phong

Em Nguyễn Thị Huyền - học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội bộc bạch: “Để chuẩn bị cho kỳ thi lớn của đời mình, không chỉ riêng em mà hầu hết các bạn 2k7 luôn trong thế sẵn sàng từ việc ôn thi, tự luyện, chuẩn bị tốt về kiến thức, sức khỏe, tâm lý…

Dù có tự tin đến mấy, chúng em không tránh khỏi những bất an, “khủng hoảng” tâm lý bởi áp lực từ phía gia đình, xã hội. Chúng em sợ mình ôn không đủ tốt, sợ mình thiếu thời gian, sợ bản thân thất bại… Có lúc, bản thân không biết phải bắt đầu từ đâu; cảm thấy lúng túng khi gặp những câu hỏi khó; sợ bản thân có ôn kỹ cũng không đỗ như mong muốn vì kém may khi làm bài…”.

Bị ảnh hưởng bởi xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh ngày nay, việc con trượt đại học được xem là một thất bại lớn. Do đó, trong hầu hết các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp, phụ huynh luôn đặt kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả thật cao, sẽ trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn.

Nhiều phụ huynh vô tình không để tâm đến nguyện vọng, ước mơ của con em mình. Chính việc đặt kỳ vọng quá lớn vào con và hằng ngày cứ nhồi nhét vào các em những mong ước đã khiến các em lo lắng, bất an, mất tự tin, khó khăn trong việc tập trung ôn luyện.

Đồng hành cùng học sinh cuối cấp

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc học tập không phải lúc nào cũng thuận lợi, đạt kết quả như bản thân, gia đình đã vạch ra. Thay vì chỉ trích, tạo áp lực cho học sinh, phụ huynh nên gần gũi, quan tâm, động viên con em mình trong những giai đoạn “đặc biệt”.

Anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú gỡ tâm lý cho học sinh cuối cấp

Với mục tiêu đồng hành cùng tâm lý học sinh cuối cấp, giải tỏa căng thẳng để các em có một tinh thần vững chắc trước kỳ thi trọng đại - tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, trường Đại học Thành Đô phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức talkshow “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp: Vững tâm lý, đón tương lai”.

Tại talkshow, các em học sinh sẽ được lắng nghe những chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia như: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú; PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Chuyên gia giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô; Bà Nguyễn Phương Chi, Chuyên gia tư vấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Vinamont.

Không chỉ là nhà văn - nhà báo nổi tiếng, từng giữ chức vụ Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, anh Hoàng Anh Tú còn là người bạn quen thuộc với bút danh “anh Chánh Văn”, đồng hành, chia sẻ tâm lý cùng bao thế hệ học sinh trên báo Hoa Học Trò.

Tham gia talkshow “Vững tâm lý, đón tương lai” với tư cách diễn giả khách mời, anh Hoàng Anh Tú hứa hẹn sẽ mang đến những chia sẻ hữu ích, gần gũi và thực tế nhất liên quan đến các vấn đề mà các bạn học sinh cuối cấp đang gặp phải như áp lực đại học, kiểm soát lo âu, áp lực từ mạng xã hội...

Kỳ thi cuối cấp THPT chính là một “phép thử” để bước qua ngưỡng cửa đến trưởng thành. Tuy nhiên, nếu học sinh không biết cách cân bằng, điều chỉnh thì thời gian dài có thể ảnh hưởng đến kết quả ôn tập, sức khỏe. Đã có không ít trường hợp học sinh bị ngất xỉu trong lúc ôn thi, hoặc gần đến ngày thi thì đổ bệnh vì không chú trọng đến dinh dưỡng, sức khỏe và thường xuyên để bản thân bị stress…

Theo PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô: Để giảm áp lực tâm lý cho học sinh, trong giai đoạn ôn thi nước rút, phụ huynh và nhà trường nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng việc động viên, chia sẻ khó khăn mà học sinh đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện.

“Cùng với nhà trường, phụ huynh nên là hậu phương vững chắc, chia sẻ và lắng nghe nhiều hơn thay vì thúc giục, đặt kỳ vọng cao và đòi hỏi quá sức với con em mình.

Đừng can thiệp quá sâu vào việc ôn luyện của con hay tạo áp lực trong chọn trường, chọn nghề, mà phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc chế độ dinh dưỡng; khuyến khích con vận động thể thao để tăng cường thể lực, giảm căng thẳng và khuyên các em nên sắp xếp cân bằng giữa học tập, nghỉ ngơi để bản thân luôn trong trạng thái tràn đầy năng lượng”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết