Áp lực từ chênh lệch huy động vốn và cho vay ngày càng lớn
Tiền gửi vào ngân hàng thấp hơn 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng cho thấy huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh. Để bù đắp phần vốn thiếu hụt, ngân hàng phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước.
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.
Lãi suất giảm 0,4%, tiền gửi thấp hơn tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu về tiền gửi khách hàng tại các TCTD vào thời điểm cuối tháng 12/2024. Theo đó, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 12/2024 đạt 14,73 triệu tỷ đồng (riêng trong tháng 12, các ngân hàng huy động thêm được 463.000 tỷ đồng). Trong đó, tiền gửi của dân cư là 7,065 triệu tỷ đồng (tháng 12 tăng thêm 65.000 tỷ đồng), tiền gửi của tổ chức là 7,66 triệu tỷ đồng (tháng 12 tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng).
Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng gần chạm 15 triệu tỷ đồng, song tốc độ tăng vẫn chậm hơn tăng trưởng tín dụng khiến huy động vẫn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).
Sang đến quý I/2025, tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn khiến chênh lệch càng lớn, vượt 1 triệu tỷ đồng.
Tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng. |
Tiền gửi tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới trong bối cảnh từ giữa tháng 2, lãi suất huy động có xu hướng giảm, một số kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán... khởi sắc, khiến dòng tiền đầu tư vào các lĩnh vực này nhiều hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng huy động không theo kịp cho vay.
Theo dữ liệu từ NHNN, từ đầu tháng 4 đến nay đã có thêm 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động là OCB, MB và VPBank. Như vậy, từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN (cuối tháng 2/2025), đến thời điểm này đã có khoảng 28 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, có ngân hàng đã giảm nhiều lần, như Eximbank (7 lần), Kienlongbank (4 lần)... Mức giảm cao nhất lên tới hơn 1%/năm.
Theo ước tính của các TCTD, trong quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND bình quân các kỳ hạn giảm nhẹ 0,03-0,05 điểm phần trăm, mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ 0,08-0,1 điểm phần trăm so với quý trước, ngược với dự kiến tăng nhẹ 0,14 điểm phần trăm lãi suất huy động và 0,04 điểm phần trăm lãi suất cho vay tại kỳ điều tra trước.
Bù đắp bằng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN
Trên thực tế, việc tín dụng tăng nhanh thời gian gần đây khiến nhu cầu huy động vốn vẫn tăng cao, các ngân hàng vẫn phải duy trì mức lãi suất tương đối ổn định để thu hút tiền gửi. Theo đó, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II/2025 và chỉ tăng rất nhẹ 0,02 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng nhẹ 0,17 điểm phần trăm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025.
Tuy vậy, các ngân hàng vẫn nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay với dự báo mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03-0,08 điểm phần trăm trong quý II/2025 và cả năm 2025.
Tính chung cả năm 2025, các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng 13,10%, thấp hơn 3,3 điểm phần trăm so với kỳ vọng về tăng trưởng dư nợ tín dụng 16,4%. Huy động vốn và tín dụng ngắn hạn được dự báo tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài.
Tại một hội thảo hồi cuối tháng 2/2025, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận ngành ngân hàng hiện cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN.
Do đó, trong năm nay, việc hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng.
Quy mô GDP cả nước là 12 triệu tỷ đồng trong khi dư nợ tín dụng đạt gần 16 triệu tỷ đồng, tương đương 135% GDP. "Từ góc độ vĩ mô, đây là bài toán mà chúng tôi lo lắng nhưng vẫn phải cố gắng, theo quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ và các cấp", ông Tú nói.
Trong bối cảnh tăng trưởng huy động chậm hơn tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc cho biết NHNN sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, lãnh đạo NHNN khẳng định năm nay sẽ tiếp tục tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng.
Ngoài hỗ trợ thanh khoản, NHNN cũng sẽ ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Huyền Anh