Bạc Liêu: Vì sao doanh thu du lịch vượt 3.400 tỷ đồng?
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu du lịch của tỉnh Bạc Liêu ước đạt khoảng 3.420 tỷ đồng, đạt 82,9% kế hoạch năm, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Theo Tỉnh uỷ Bạc Liêu, trong 9 tháng đầu năm, ngành du lịch của tỉnh tăng trưởng khá với tổng mức doanh thu đạt 3.420 tỷ đồng, đạt 82,9% kế hoạch, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu từ khối nhà hàng - khách sạn đạt khoảng 1.335 tỷ đồng, đạt 86,1% kế hoạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Lượng khách du lịch đạt khoảng 4.175.000 lượt, đạt 85,2% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ; trong đó, có khoảng 1.625.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, đạt 81,2% kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ; khách quốc tế khoảng 88.400 lượt, đạt 80,4% kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Khu du lịch Nhà Mát là một điểm du lịch hút khách của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh IT |
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhờ triển khai tích cực chương trình hành động về du lịch năm 2024, ngành du lịch Bạc Liêu đã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung khai thác hiệu quả 11 điểm du lịch tiêu biểu, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là các điểm du lịch tiêu biểu trong khu vực.
Các điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu gồm Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP. Bạc Liêu); Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi); Khu nhà Công tử Bạc Liêu; Khách sạn Sài Gòn Bạc Liêu (phường 3, TP. Bạc Liêu); Khu du lịch Nhà Mát; Khu Quán Âm Phật Đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu); Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, TP. Bạc Liêu); Khu điện gió Bạc Liêu; Khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu); và Khu di tích lịch sử Quốc gia Nọc Nạng (xã Phong Thạnh Tây A, thị xã Giá Rai).
Ngoài ra, Bạc Liêu còn nổi tiếng với các di tích quốc gia đặc biệt như Khu căn cứ Cái Chanh; Tháp cổ Vĩnh Hưng; Vườn nhãn cổ trên 100 năm tuổi; Nhà thờ Tắc Sậy; Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu; Cánh đồng muối; Vườn chim Bạc Liêu; Cây xoài trên 300 năm tuổi; Chùa Giác Hoa; Chùa Hưng Thiện...
Thời gian qua, Bạc Liêu đã triển khai Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh cũng thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2024.
Nhà hát “ba nón lá” là một trong những điểm nhấn cảnh quan du lịch của Bạc Liêu. Ảnh IT |
Cơ sở hạ tầng du lịch tại Bạc Liêu tiếp tục được đầu tư và kêu gọi đầu tư, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh.
Ngoài ra, các hoạt động hợp tác, quảng bá và xúc tiến du lịch cũng được tỉnh được đẩy mạnh, bao gồm các hoạt động tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và các thị trường du lịch trọng điểm trong cả nước.
Bạc Liêu cũng tham gia giới thiệu văn hóa, ẩm thực, con người và sản phẩm du lịch tại nhiều sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu 2021 - Lý Kim Thảo đã được mời làm đại diện hình ảnh du lịch Bạc Liêu, và tỉnh cũng tổ chức ký kết hợp tác truyền thông quảng bá du lịch giai đoạn 2024 - 2026.