Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam - Nhật Bản: 'Đón sóng' hợp tác thương mại trong khuôn khổ CPTPP và IPEF

Thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2024 khởi sắc với sự bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mở ra triển vọng phát triển.

Việt Nam và Nhật Bản từ lâu đã thiết lập mối quan hệ thương mại và kinh tế bền chặt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hai nước. Năm 2024 đánh dấu những bước tiến tích cực khi thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản với sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Với việc tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, hai nước tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản: Nền tảng ổn định và bổ trợ lẫn nhau

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Tính đến hết tháng 11 năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 42 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,9%, cho thấy dấu hiệu tích cực sau một năm suy giảm. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 19,6 tỷ USD, giảm nhẹ 0,47%. Những con số này phản ánh sự ổn định trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản đạt 42 tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản đạt 42 tỷ USD. Ảnh minh họa

Thương mại song phương Việt Nam và Nhật Bản có những đặc điểm nổi bật, trong đó đáng chú ý là sự bổ sung rõ nét trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện, dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, sắt thép, vải và nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất và linh kiện ô tô.

Đáng chú ý, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà cả hai nước tham gia. Tiêu biểu như Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường và tận dụng ưu đãi thuế quan.

Hợp tác trong khuôn khổ đa phương: Điểm sáng CPTPP và IPEF

Năm 2024 đánh dấu những bước tiến quan trọng của CPTPP trong việc mở rộng và thực thi các cam kết thương mại. Việc Vương quốc Anh chính thức gia nhập CPTPP từ tháng 7/2023 là một dấu mốc lớn, đưa số thành viên CPTPP lên 12. Việt Nam đã phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Anh vào tháng 6/2024 và hoàn tất thủ tục vào tháng 7/2024, qua đó thể hiện vai trò tích cực và chủ động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác này.

Với việc Anh gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với Hiệp định thương mại tự do song phương (UKVFTA), đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh như dệt may, nông sản và thủy sản. Điều này không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại nội khối CPTPP mà còn tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị phần tại Vương quốc Anh.

Ngoài ra, các thành viên CPTPP cũng đang tích cực thảo luận về khả năng gia nhập của các nền kinh tế khác như Costa Rica, Ecuador và Đài Loan. Đáng chú ý, Costa Rica đang nhận được nhiều ủng hộ nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn cao của CPTPP. Việt Nam với vai trò thành viên tích cực, đã chủ trì và đề xuất xây dựng Điều khoản tham chiếu (TOR) để thành lập Ban thư ký CPTPP, được các thành viên đánh giá cao.

Bên cạnh CPTPP, Việt Nam cũng tham gia Khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF), một sáng kiến kinh tế khu vực do Hoa Kỳ khởi xướng với mục tiêu tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm như thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.

Tính đến cuối năm 2024, các nước IPEF đã đạt được tiến triển lớn khi ký kết các Hiệp định trụ cột II (chuỗi cung ứng), III (kinh tế sạch) và IV (kinh tế công bằng), cũng như Hiệp định Tổng thể. Trong đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Trụ cột II và đang hoàn tất các thủ tục trong nước để tham gia Hiệp định Trụ cột III, IV và Hiệp định Tổng thể. Việc tham gia IPEF giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng khu vực, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Triển vọng hợp tác thương mại Việt Nam – Nhật Bản

Bước sang năm 2025, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với nhiều triển vọng sáng. Hai nước không chỉ tận dụng tối đa các FTA hiện có mà còn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như CPTPP và IPEF.

Đối với Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn là nguồn cung cấp công nghệ và thiết bị công nghiệp hiện đại. Việc gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao như máy tính, linh kiện điện tử và sản phẩm công nghiệp chế biến sẽ là hướng đi chiến lược trong thời gian tới. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Nhật Bản cũng có cơ hội mở rộng đầu tư và cung cấp sản phẩm chất lượng cao vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ này.

Năm 2024 là năm đầy khởi sắc và thành tựu đối với quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Với nền tảng hợp tác vững chắc, sự bổ sung trong cơ cấu hàng hóa và vai trò tích cực trong các khuôn khổ đa phương như CPTPP và IPEF, hai nước đã cùng nhau vượt qua những thách thức, mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy thương mại song phương phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện hơn trong tương lai.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết