Tin mới
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện 'tái ông thất mã' trong việc các đại gia bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm

Dù đang bị "ném đá" khốc liệt, tuy nhiên ở một mặt nào đó, việc các đại gia liên tiếp xin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm chưa hẳn chỉ mang đến những điều tồi tệ, thậm chí ở mặt nào đó đang góp phần loại bỏ những hệ lụy xấu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành bất động sản trong tương lai.

Kết thúc phiên đấu giá đất Thủ Thiêm ngày 10/12/2021, thị trường bất động sản toàn quốc dậy sóng với những mức giá “chốt đơn” được nhiều chuyên gia đánh giá là điên rồ của các đại gia trong ngành.

Hết hạn vẫn chưa thấy tiền

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã có hai “ông lớn” xin bỏ cọc với nhiều lý do khác nhau. Trước đó là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt với lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7m2), mức giá bình quân trên 2,4 tỷ đồng/m2. Và mới đây là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh với lô đất số 3-9 với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.

Theo tin từ Cục thuế TP.HCM, trong văn bản gửi ngày 8/2, lý do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh xin không triển khai dự án trên lô đất 3-9 Khu đô thị mới Thủ Thiêm là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình tài chính khó khăn.

bo-co-c-da-u-gia-da-t-thu-thie-1577-6374

Việc các vụ đấu giá đất Thủ Thiêm bất thành ở khía cạnh nào đó có thể giúp TP.HCM loại bỏ những hệ lụy, đặc biệt là "mang tiếng" giá đất đắt đỏ gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các "đại bàng".

Cũng theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, bên cạnh 2 doanh nghiệp đã xin bỏ cọc, đến nay 2 doanh nghiệp còn lại đã trúng đấu giá đất cũng vẫn chưa đóng tiền đợt 1 (theo quy định phải đóng 50% tiền mua các lô đất đã trúng đấu giá), dù đã quá hạn.

Hai doanh nghiệp chậm nộp tiền được nhắc đến là Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

Tìm hiểu được biết, theo quy chế đấu giá, trường hợp quá thời hạn thanh toán các đợt 1, đợt 2 mà người trúng đấu giá chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Bỏ cọc là xấu hay tốt?

Dù đang bị dư luận “ném đá” khốc liệt, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và cả các doanh nghiệp, việc các ông lớn bỏ cọc đấu giá giống như câu chuyện “tái ông thất mã”, vì nó không hẳn chỉ gây ra những điều tồi tệ, mà ở một khía cạnh nào đó tốt cho thị trường địa ốc về dài hạn.

Điển hình, sau phiên đấu giá gây sốt tại Thủ Thiêm, đã nhiều lần TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế nhận định, điều tích cực có thể nhìn thấy là việc đấu giá thành công có thể mang lại thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM.

Tuy nhiên, hệ lụy cũng rất nhiều. Thứ nhất, tạo ra mặt bằng giá bất động sản mới cao hơn. Thứ hai, giải phóng mặt bằng tại TP.HCM có thể khó khăn hơn. Thứ ba, việc giá đất tăng cũng có thể tác động đến lạm phát do có thể đẩy mặt bằng giá sinh hoạt và một số dịch vụ bị tăng lên…

Từ góc nhìn của TS Cấn Văn Lực, có thể thấy khi các vụ đấu giá có thể gây ra nhiều hệ lụy bất thành, phần nào đó sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Phi Hải, Tổng giám đốc Khải Hưng Group, cho rằng thực tế việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua đã tạo ra mức giá quá cao so với mặt bằng giá chung của thị trường. Điều này là lợi bất cập hại, sẽ làm cho giá đất xung quanh tăng nóng và người dân có nhu cầu thực về nhà ở càng khó mua nhà hơn.

Đặc biệt, việc xác lập mức giá mới tại Thủ Thiêm sẽ vô tình khiến mặt bằng giá các dự án bất động sản khác cũng tăng nóng theo. Nhiều chủ dự án sẽ có tâm lý so sánh giá và có thể tăng giá bán ra. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp trúng thầu liên tiếp bỏ cọc sẽ loại bỏ tâm lý trên.

Trước đó, trong một bài viết của VnBusiness có thông tin, khi Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-12, ông Đỗ Anh Dũng – đại diện công ty nhận nhiều “gạch đá”, song cũng có nhiều doanh nhân trong ngành có quan điểm khác.

Đơn cử, ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP y dược Ngũ Phúc Đường, nhìn nhận ông Đỗ Anh Dũng với tư cách là một doanh nhân, với trách nhiệm xã hội to lớn của mình, đã sẵn sàng hy sinh hơn 500 tỷ đồng để làm trong sạch thị trường.

Theo ông Minh, thay vì chê bai thì hãy ca ngợi ông Dũng vì từ động cơ cho đến hành động của những sự việc này đều xuất phát một cách vô cùng tốt đẹp. Đó là vì ông Dũng không muốn những lô đất đẹp nhất ở Việt Nam lại thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài. Cái gì tốt đẹp nhất trên đất Việt là phải dành cho người Việt.

“Một tinh thần tự tôn dân tộc đáng giá bao nhiêu tỷ như thế còn gì? Không khen thì thôi, tại sao lại chê?”, ông Minh nêu quan điểm riêng.

Không chỉ vậy, ông Minh còn dẫn lại việc tốt đẹp thứ hai của ông Dũng trong việc này là ý thức xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh. Nhất là sau khi nghe được ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về vụ việc này với ý là làm thị trường bị lũng đoạn, ông Dũng đã hành động như đã nói ở trên.

Có thể thấy, những tranh luận phía sau chuyện đấu giá đất vừa qua ở Thủ Thiêm sẽ còn dài và tiêu tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông và dư luận xã hội. Tuy nhiên, một điều hiển hiện là giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao đang làm giảm tính hấp dẫn của thị trường bất động sản TP.HCM. Nhất là khi bị “mang tiếng” là nơi có giá đất đắt đỏ, gây khó cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các “sếu đầu đàn” để thực hiện mục tiêu xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vì vậy, ở một góc nhìn khác, việc các đại gia “muối mặt” bỏ cọc đấu giá có khi lại hay!(?).

Hưng Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết